Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Cô gái xuống ga Vĩnh Yên- Phạm Duy Nghĩa

Chủ nhật buồn, tôi chợt nhớ về những người bạn học rất thân thiết từ thời cấp 1cho đến hết cấp 3. Mỗi đứa một số phận, một cuộc đời, lâu lâu không gặp... Hơn một nửa nhóm bạn ngày thơ bé của tôi đang sống ở Hà Nội, nơi mà trước kia tôi đã từng ao ước. Gõ chuột một cái tên trong sổ điểm lớp ngày xưa, bao giờ bạn cũng ở ngay đằng sau tên tôi, nhưng điểm viết văn của bạn bao giờ cũng trên điểm tôi, bao giờ cũng nhất lớp... Thế mà lạ, thi đại học, bạn rớt năm đầu, năm sau đỗ. Cùng trường với tôi, sau một khóa, lại mãi mới tốt nghiệp được...Sau bao thăng trầm, giờ là tiến sĩ, nhà văn khá nổi danh. Lần đầu tiên tôi đọc bạn là một truyện ngắn trên báo Tiền Phong, tôi đã vui mừng mà khoe với cả nhà như chính thành tích của mình vậy.
...Với điện thoại, tôi bấm máy. Bên kia đầu dây, tiếng Nghĩa thật mỏi mệt. Xen lẫn câu trả lời, tôi nghe rõ cả tiếng ngáp ngủ. Bạn than chủ nhật vẫn phải vùi đầu vào công việc ở tòa soạn. Chết thôi, ông trưởng ban biên tập, tiến sĩ văn chương. "Này, có nhà riêng chưa đấy?''. " Chưa, tớ vẫn ở tập thể". " Thế vợ con thế nào?". Thở dài..." Vẫn thế!"."Không được đâu, phải nghĩ cho riêng mình đi, nghĩ cho cả các cụ nữa, mỗi mình cậu là...". "Ừ....". "Mà này, lên mạng tìm cậu, thấy em Hoa Tử Huyền lăng xê ghê quá, nói là phải có tiêu chuẩn IS0...gì gì đó, phải không". " Đâu có...cô bé ấy...Già rồi, kén chọn gì đâu...Hà Nội, mệt mỏi lắm...". " Có tác phẩm nào mới ra, tặng tớ đi!". " Ừ, hôm nào lên Hà Nội, gọi tớ nhé, để tớ alo cho bọn nó"...
Cảm ơn Trần Tố Loan! Nhờ cô tôi đọc được truyện ngắn này của Phạm Duy Nghĩa, nhà văn chẳng cần tới bút danh. Tôi thấy hơi hướng của cuộc đời thực lằn in trên mỗi trang văn của Nghĩa. Biết đâu là thực là hư, là văn là đời thế nhỉ.
                                   Cô gái xuống ga Vĩnh Yên
                               ( Truyện ngắn- Phạm Duy Nghĩa)
Tôi ra ga vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh. Khoang tàu nghẽn đặc người. Chen qua đám hành khách ồn ào, hỗn độn, tôi vừa tìm được số ghế bên cửa sổ thì tàu chuyển bánh. Tàu chạy xuyên qua đại ngàn. Sương mù bay lãng đãng trên rừng cây thân trắng ken dày, đẹp một vẻ hoang sơ như phong cảnh xa xôi trong những cuốn sách viết về phương bắc.
Ngồi cạnh tôi là một cô gái trạc mười chín, hai mươi. Thần thái của cô ta thay đổi một cách kì lạ. Khi nhìn thẳng, khuôn mặt khô khô và lấm tấm tàn nhang ấy có một vẻ ngây thơ, quê mùa dễ mến. Nhưng lúc cô ta nghiêng mặt, gò má như bị đẽo vát xuống cằm, nom thoáng hiện cái vẻ chao chát của một gái chợ đen vô tâm và ít học.
- Anh về đâu ạ? - Cô ta khẽ đập tay lên đùi tôi, miệng thoảng mùi thơm kẹo quế.
- Hà Nội - Tôi miễn cưỡng trả lời rồi moi từ túi quần ra một điếu thuốc quăn queo, châm lửa hút. Bản tính trầm lặng, khi đi tàu đi xe, tôi không ưa bắt chuyện.
Tàu chạy qua một cây cầu sắt. Tiếng bánh nghiến xuống đường ray xoang xoảng, rầm rầm. Qua tấm kính đang mờ dần, một khoảng sông hiện ra trong sương mù, băng giá và tinh sạch như được tráng một lớp thiếc. Tôi ngồi im, suy nghĩ về đoạn kết tác phẩm của mình. Nhân vật mất tích trong dòng đời vô tận, sống không nổi, chết không xong. Một kết cấu mở. Một dấu chấm nhòe mông lung. Một tiếng hú lạnh buốt thốc ra từ ruột truyện kêu cầu người đọc cùng nghiền ngẫm, tái tạo. Tiếc rằng đôi chỗ còn dấu vết của sự non ương, chín ép. Lẽ ra tôi cần nhẫn tâm hơn. Phải nghiền nhân vật ra như nghiền sỏi, sau khi bắt nó uống no chất axit của cuộc đời. Một bậc đàn anh trong làng văn, trong một cuộc tỉ thí đến nôn ra máu vì rượu, đã nói với tôi như thế.  
Buồn bực, tôi moi từ đống hành lí bừa bộn ra cuốn tiểu thuyết mới in. Tôi đọc lại những đoạn văn còn sượng rồi ngắm nhìn cuốn sách như nhìn đứa con đầu lòng vừa cắt rốn, oe khóc và bướng bỉnh giãy đạp, mình mẩy còn lấm láp máu me.
- Anh là tác giả cuốn truyện này? - Cô gái chợt giật tay áo tôi, thốt lên. Trên lớp bìa gấp đen ngòm của cuốn sách có in ảnh tôi với chiếc mũ rộng vành đội lệch và đôi mắt gườm gườm, hằn học như sắp bật ra khỏi nền giấy.
- Trông anh chẳng ra dáng nhà văn tí nào - Cô ta nhận xét.
Tôi cười nhạt. Có lẽ người con gái này quan niệm nhà văn là những ông Bụt no nê và phúc hậu, không thể là những gã đàn ông tóc dày và cứng bết như lông ngựa, đôi mắt nghiện ngập, thèm khát, trong đầu luôn chen chúc những ý tưởng đắng cay.
- Cô là sinh viên phải không? Đi Hà Nội à?
- Không, em về Vĩnh Yên thăm quê - Cô gái ngập ngừng - Em làm nghề tự do thôi. Em được học ít lắm...
Có tiếng chửi bới om sòm ở cuối toa. Một người bán hàng rong trên tàu bị tay nhân viên bảo vệ của ngành đường sắt đuổi đánh. Hứng trọn cú đạp vào mông, chị ta ngã xô vào chân ghế. Mấy quả táo Tầu trong chiếc rổ nhựa vừa rớt xuống sàn tàu liền bị người đàn ông hăng tiết co chân đạp nát. Nước mắt nước mũi ứ ra, người đàn bà vừa liến láu van xin vừa vội nhặt những quả lành, lẩn sang toa hàng ăn, da mặt căng lên lì lợm. Một người đàn ông mặt mũi nhăn nhúm, vàng vọt, tay phải cụt đến nách kẹp chiếc mũ nan đựng tiền, tay trái đưa ống sáo trúc lên miệng thổi. Điệu nhạc ảm đạm, thê lương. Khi chiếc mũ nan chìa ra trước mặt cô gái, ả ta không hay biết gì, vẫn chăm chú đọc cuốn sách tôi cho mượn. Tiếng sáo vút lên, nhẫn nại, thiết tha. Khuôn mặt người thổi sáo không biểu lộ một cảm xúc gì, tuyệt nhiên bình lặng.
... Trời về chiều. Qua cửa sổ toa tàu, thấp thoáng những mảnh đồi cằn cỗi, hiu hắt miền trung du. Gió thổi xao xác trên những ngọn bạch đàn thưa thớt, còi cọc. Mớ tóc xõa của cô gái quệt vào mặt tôi buồn buồn. Từ mái tóc ấy tỏa ra một mùi thơm hăng hắc, làm tôi nhớ đến mùi hoa dã xuân mọc um tùm trong thung lũng Tắc Cô, nơi tôi đã ghé chơi trong chuyến thăm thú vùng cao vào mùa hè năm trước.   
- Anh này - Cô gái ngừng đọc, ngước nhìn tôi - Tại sao người tốt thì cứ chịu khổ, chịu oan ức mãi, còn người xấu thì mãn đời vẫn không bị trừng phạt? Anh tàn ác lắm.
- Tôi thích những lời mật đắng. Nhưng ngoài miệng lưỡi thôi. Những người "khẩu xà tâm Phật", viết thì cay độc, nhưng gan ruột lại bùi.
Gần sáu giờ chiều, tàu đến ga Vĩnh Yên. Cô gái nhờ tôi lấy hộ chiếc ba lô du lịch màu đỏ trên giá để hành lí. Cô ta nhìn cuốn sách đọc dở, đưa trả tôi với vẻ băn khoăn, hình như định nói gì đó lại thôi. Qua ô cửa, tôi thấy người con gái ấy xuống ga, đi qua cánh đồng cà chua mờ mờ sương trắng. Tôi ngồi ngẫm ngợi. Từ lúc tàu nhồi thêm khách, cô ta đã cố tình ngồi ép sát vào tôi. Qua làn hơi thở thật gần, tôi cảm nhận một cặp môi nhạt tanh, không còn cái vị hoi hoi, ngầy ngậy của những cô nàng mới lớn. Và lúc cô ta đứng sau đỡ chiếc ba lô, tôi còn thấy cảm giác nhồn nhột của vòm ngực căng tì mạnh một cách đầy ý thức vào lưng áo...
Gần tám giờ tối, tàu về đến ga Trần Quý Cáp. Tôi bắt xe ôm về Dịch Vọng, rẽ vào một ngõ hẻm tới khu làng nhỏ ven đô. Trong không khí giá lạnh, tôi hít thở hương vị dịu ngọt của rau thì là, rau mùi bay thoảng ra từ những ô vườn nhỏ. Vào quán cơm bình dân phủ đầy lá rụng phía sau khu nhà trọ, tôi gọi một chai rượu trắng. Tôi ngồi độc ẩm, lắng nghe tiếng đàn ghita bập bùng vẳng xuống từ tầng hai, gần căn phòng tôi ở. Đó là tiếng khóc trái tim của chàng sinh viên đói khát và thất tình - một anh chàng có dáng thư sinh, đeo kính cận, đôi môi đỏ như môi con gái lúc nào cũng mấp máy một nụ cười sầu thảm. Mùa thu trước, người yêu của cậu ta - một cô bé rất xinh cùng lớp - đã ngã vào vòng tay của ông thầy giáo sống độc thân hơn cô ta gần hai chục tuổi, trong một đêm cô đến xin thầy nâng điểm bài thi học phần.
Xong bữa tối, tôi lặng lẽ xách đồ đạc lên tầng. Qua cửa buồng tắm, tôi thấy Tùng - người bạn ở cùng phòng đang xì xục rửa ráy. Đẩy cánh cửa phòng khép hờ, tôi kinh ngạc nhận ra điều khác lạ. Trên chiếc giường một, bên đống chăn gối lâu ngày không giặt là chiếc ba lô màu đỏ của người con gái tôi gặp trên tàu.
*
Dạo ấy, tôi và Tùng đang hối hả tra cứu tài liệu và bươn bả ngược xuôi khảo sát thị trường để viết luận án kinh tế. Chúng tôi đánh vật với những con số, biểu bảng, trăn trở tìm lối đi như những nhà kinh doanh thực thụ. Về thăm vợ lần ấy, tôi đã hứa với thủ trưởng cơ quan sẽ cố gắng bảo vệ luận án trước mùa hè năm tới. Sự xuất hiện của người khách không mời mà đến đã đẩy tôi vào tình huống khó xử. Tôi biết ăn nói ra sao với Tùng, khi anh ta cũng như tôi, đang ngập đầu vì công việc? Người con gái này sẽ ở đây một, hai hôm hay nhiều hơn nữa? Và, thực chất, cô ta là ai? Một thôn nữ lãng mạn dở hơi hay một ả ma cô đang lẩn tránh lưỡi rìu pháp luật?
- Em yêu và ngưỡng mộ anh từ lúc biết anh là người viết sách - Diễm nói với tôi, mắt long lanh, đôi mắt hoang vắng và thành tâm của một con chiên trước cha đạo - Em tìm đến đây bởi một sự tò mò, một ám ảnh không cưỡng được. Còn anh có thích em hay không, em không quan tâm, nhà tiểu thuyết ạ.
Cô ta giải thích hành động phiêu lưu của mình như thế. Buổi chiều hôm đó, sau khi đã đi khá xa qua cánh đồng mờ sương trên đường về quê ngoại, Diễm quyết định quay trở lại ga. Cô ta gọi một chiếc xe ôm, chạy thẳng từ Vĩnh Yên về Hà Nội. Sau gần một tiếng sục sạo trong các ngõ hẻm, cô đã đến được khu nhà tôi ở theo cái địa chỉ hỏi qua quýt lúc rời tàu.
- Em cứ tìm hiểu đến nát con người anh ra cũng được, có điều phải tuyệt đối im lặng trong lúc bọn anh làm việc. Bạn cùng phòng với anh, cái thằng cha hôi như chuột ấy, đôi lúc cũng không tốt bụng lắm đâu - Tôi châm thuốc hút, nheo mắt nói với Diễm. Đêm ấy, đợi lúc cô ả đã ngủ, tôi nhấc chiếc ba lô du lịch màu đỏ, nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng. Tại buồng tắm, tôi lục soát kĩ từng ngăn túi. Ngoài mấy bộ quần áo và gương lược, phấn son, một xấp tiền Việt và tiền Hoa, trong ba lô không có gì đặc biệt.
Với vẻ mặt lạnh lùng vốn có, Tùng không hỏi tôi một lời về cô khách lạ. Đến khuya, từ ngoài phố về, anh ta lặng lẽ vẫy tôi ra ngoài. "Mình sang chỗ thằng Trung ngủ. Chăm sóc cô bạn tận tình nhé. Thuốc đây, hút đi". Anh ta nháy mắt với tôi, cười thân thiện. Ngạc nhiên và cảm kích, tôi không biết nói gì.
"Có thực đây là nạn nhân của một cú sét ái tình?". Tôi đăm đăm nhìn người con gái đang ngủ, và trong trí tưởng vụt hiện cảnh uốn éo của bầy ma nhện trong truyện Tây Du - những ả yêu tinh phơi mảng bụng quyến rũ để trần, và từ những chiếc rốn sâu hoắm phụt ra cơ man những dòng tơ lóng lánh... "Đêm nay ta để cô nàng ngủ một mình. Đêm mai, chỉ đêm mai thôi, nó sẽ phải lộ nguyên hình nguyên dạng".
Nhưng tôi đã nhầm.
*
Ngay đêm đầu tiên ngủ chung giường, người con gái đã nằm nghiêng như dán chặt vào tường, đôi mắt nhắm nghiền, thiêm thiếp, bằn bặt. Những vuốt ve, âu yếm của tôi trở thành vô duyên như sóng vỗ vào gờ đá. Thoạt đầu tôi thấy khó hiểu, hoang mang. Trong một giây không kiềm chế được mình, tôi gần như bóp vụn cả những đường cong đang nhòe vào bóng tối. Diễm như choàng tỉnh, ngơ ngác. Rồi chợt hiểu ra, cô ta cau mặt khó chịu:
- Anh làm sao thế? Anh để yên cho em ngủ với chứ.
"Thế này là thế nào?". Tôi thực sự bực tức. "Một đứa con gái dám tự tìm đến, ăn ở qua đêm với một gã đàn ông lạ hoắc mới gặp trên tàu, nếu không phải hạng bán thân đổi xác thì cũng là một thứ mèo hoang, cớ sao lại cự tuyệt?". Tôi vùng dậy, bật một lúc cả hai công tắc điện. Cô ta mở to mắt, ngỡ ngàng nhìn ánh điện sáng trắng. Trên gương mặt bợt ra như rắc phấn nom lúc này có một vẻ gì đó thật thơ dại, tôi thoáng thấy một giọt tủi hờn long lanh nơi khóe mắt.
- Em yêu anh vì anh là người có tâm hồn - Diễm ngồi dậy, đặt tay lên vai tôi, thong thả nói - Em tìm đến với anh không vì mục đích nào khác. Nhưng anh đã hiểu gì về em đâu. Nằm xuống đây, anh. Cũng cần biết một chút gì về cuộc đời em chứ.
Và ôm lấy tôi với tất cả sự trìu mến, Diễm kể tôi nghe về đời mình.
- Thời thơ ấu của em buồn lắm, anh ạ. Em lớn lên bằng những củ khoai, củ sắn mẹ moi từ đất cát ven sông, bằng những rổ táo mẹ trảy bán ở ga Làng Giàng, cái nhà ga luôn vẳng tiếng gọi đò buồn hiu hắt ấy. Năm em mười hai tuổi, vào một đêm mưa lớn, nước sông dâng ngập cả bụi tre trước nhà, mẹ em chống mảng ra vớt con lợn bị nước cuốn trôi, ngã xuống sông chết đuối. Từ đấy bố em bỏ nghề sơn tràng, về làm người chở đò đưa khách qua sông. Tóc tai ông lúc nào cũng đen xỉn bùn đất, mặt mày hốc hác vì rượu. Hai năm sau, cũng vào một đêm mưa, ông ấy cưỡng hiếp đứa con gái cả của mình. Phát rồ phát điên, chị ấy dội cả phích nước sôi vào người bố, làm chín một mảng da bụng. Hôm sau, chị ấy xuống đò bỏ đi biệt tích. Còn em tìm đường vào Buôn Ma Thuột...
Giọng Diễm đều đều, khô khan như đang kể chuyện đời của một người khác. Hằn lên trong tâm trí tôi những triền đất bazan ngầu đỏ giữa mùa mưa, những cánh rừng cà phê trải dài đến nôn nao, khắc khoải dưới nắng hè, những vết chân lam lũ của cô bé mười bốn tuổi, và những chùm quả sẫm lại như tụ máu người... Cô bé đã sống những ngày tháng ấy trong ngôi nhà của người dì to béo và vô tâm. Chồng bà ta, một người đàn ông bị thấp khớp, mỗi ngày không mở miệng quá năm lần. Từ sáng đến chiều, cái con người nhỏ thó và đen đủi ấy xòe năm ngón tay đầy đốt sưng vù, vặn vẹo như một chùm rễ cây khô quắt, lặng lẽ nắn bóp một viên cuội trắng to bằng quả trứng gà. Vào một tuần trăng, người dì đi Đà Lạt thăm cô con gái mới sinh nở. Người chồng ở nhà bỗng trở nên hoạt bát khác thường và bộc lộ một niềm đam mê bệnh tật. Ông ta bịt kín cửa buồng, cửa sổ và lanh lẹn tung thân mình lên xà nhà như một con khỉ. Ông dỡ một viên ngói cho ánh trăng dột xuống nền nhà. Và trong bảy đêm ròng, con người dị mọ này đã ép cháu uống cà phê thật nhiều. Ông ta bắt cô bé cởi hết quần áo, ngồi lên một chiếc ghế cao cổ lỗ đã tróc nước sơn. Suốt đêm, trong ánh trăng xanh tỏa mơ màng như khói khắp gian buồng, ông ta lặng ngắm cô bé một cách thành kính, say sưa như chiêm ngưỡng một pho tượng nữ thần tạc bằng đá trắng. Những đêm hè ngắn ngủi ấy không thỏa mãn nổi cơn khát thèm cái đẹp. Bằng chứng là cho đến sáng bạch, đôi mắt của ông ta vẫn long lanh xanh biếc như nền trời hè...
- Sau đó em trở ra Bắc?
- Vâng. Nhưng không phải vì sợ, mà vì công việc quá vất vả... Thực ra cho đến bây giờ em vẫn không oán ghét ông ấy, thậm chí còn thấy thương. Điều lạ là đôi mắt ông ấy sáng ngời, trong vắt, không hề vẩn lên một chút lửa dục. Bàn tay dị tật của ông ấy cũng chưa hề động vào người em một lần.
Diễm im lặng một lát, rồi kể tiếp.
- Ra ngoài này, em về tận vùng hồ Thác Bà, xin làm ở một nông trường chè. Suốt ngày dãi mặt trên đồi, ăn nắng ăn gió. Trong hai năm làm ở đó, em quen một người đặc biệt. Anh ấy là công nhân lâm trường, người đen sì, trông chỉ thấy hai con mắt. Hai bàn tay của anh ấy cũng dị dạng như tay người chú mà em vừa kể. Riêng tay phải có sáu ngón, ngón nào cũng đen nhánh, dài ngoẵng và cong queo, không bao giờ thấy ruỗi thẳng ra được. Nhưng khi anh ấy cầm một vật gì thì hai bàn tay bỗng như có thần. Nhặt một nắm đất ven hồ, mấy ngón tay cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt, và khi anh thả xuống thì nắm đất ấy đã biến thành một con cóc sùi mụn ở lưng, hoặc một con rùa trợn mắt ngóc đầu, trên mai có đủ vân đủ khía. Tiếc là anh không giữ lại những vật ấy bao giờ, nặn xong là ném đi hoặc giẫm nát. Những chuyến đi rừng, anh ấy còn mò mẫm vào hang sâu, mang về những khối đá hình người. Anh đục đẽo, bày la liệt trong lán trại. Những cái tượng người ấy đều giống nhau ở chỗ khuôn mặt nào cũng u uất, đau thương và không toàn vẹn. Người thì cụt một tai, người thì không có mắt, toàn quái thai cả, nhưng xem một lần thì nhớ mãi. Có lần em còn theo anh ấy lặn lội vào những bản người Tày, tìm những cây có cành có rễ nghều ngoào như bàn chân bạch tuộc. Anh ấy bỏ cả ngày hì hục cưa cắt, uốn gọt thành những cái bàn, cái ghế xù xì tuyệt đẹp. Dùng được mấy hôm, anh lại chặt ra đun bếp. Mọi người bảo anh ấy là người không bình thường, nhưng em thích anh ấy. Nói thật với anh, em từng có ý muốn được sống với anh ấy suốt đời, trong cái vùng hồ đầy lau sậy ấy. Nhưng những lần rủ em đi cùng, anh ấy như người câm, chỉ cặm cụi bước, cặm cụi làm. Suốt đời anh ấy là người lặng lẽ, đến chết vẫn lặng lẽ... Một hôm, người của lâm trường kêu rằng anh ấy đi đâu biệt tích đã ba ngày. Em bỏ việc đi tìm, và như có linh tính mách bảo, em đã đến một hẻm rừng rậm rạp bên hồ nơi hiếm người qua lại. Anh ấy nằm chết dưới một cái cây bật gốc, thân cây đè nát đầu anh. Phần bụng anh bị chim rỉa gần hết. Em nhận ra anh ấy nhờ cái bàn tay sáu ngón đen thui còn nguyên vẹn. Năm ngoái, em có gặp một chị cùng làm ở nông trường dạo đó. Chị ấy bảo ở vùng hồ, những người có việc đi đêm thỉnh thoảng vẫn gặp hồn ma của anh ấy. Tất cả bọn họ đều khẳng định đã nhìn thấy một cột khói đen giống hình người cụt đầu, bay chập choạng trên mặt hồ và vực lau vào những đêm trăng suông vắng lặng...
Một giọt nước ứa ra từ mắt Diễm, to và trong suốt, lăn chầm chậm trên má.
- Năm ấy em mười bảy tuổi, khỏe mạnh, hồn nhiên. Những lúc chỉ có hai người, trong rừng thẳm... bàn tay tài hoa kì dị của anh ấy cũng chưa chạm vào người em một lần nào.
Tôi còn đang bận lòng vì câu nói đầy ẩn ý của Diễm thì cô quệt nước mắt, vỗ vỗ vào trán tôi và nói bằng giọng dịu dàng của người chị:
- Anh là người viết văn, lại học rộng. Cái đầu hiểu biết này dùng để nghĩ đến những điều lớn lao, đừng nghĩ đến những cái khác mà nó tầm thường đi, anh ạ. Thôi, ngủ đi anh.
Câu nói ấy làm tôi mềm rũ như một cái lá héo. Nằm bên tôi phải chăng là một nụ hoa đồng thuần khiết, trinh bạch... Và như trong truyện Nghìn lẻ một đêm, nhờ câu chuyện dở dang mà cho đến sáng, tính mạng của nàng Sêhêrazat vẫn chưa được định đoạt.
*
Đêm hôm sau, tôi quyết định thay đổi chiến thuật. Để chinh phục trái tim đàn bà, dù một gái quê thuần hậu hay một con điếm, vẫn phải đi những bước đầu tiên từ sự tinh tế, nhẹ nhàng. Tôi pha một chậu nước nóng, bê đến tận giường cho Diễm ngâm chân. Mùa đông ở Hà Nội năm ấy rất lạnh. Tôi bảo Diễm đi ngủ trước, buông màn, kéo chăn đắp cho cô ta với những cử chỉ ân cần như người anh chăm sóc một cô em gái. Còn tôi trùm chiếc chăn chiên, ngồi viết đến khuya mới lên giường. Lật chiếc chăn bông ấm sực, tôi ôm lấy tấm thân nồng nàn như một giọt nguyên sinh phập phồng sự sống được ủ bên trong. Gió bấc từ đồng xa thổi về, hiu hiu, rồi lồng lộn, mỗi lúc một dữ dội. Không khí càng lạnh giá, tiếng vạt liễu oằn mình trong gió càng rõ, tiếng cánh cửa lay đập càng mạnh thì sự âu yếm, vỗ về xen những lời cưng nựng của tôi càng mặn nồng, tha thiết. Bỗng, trong giây lát, cả cơ thể người con gái như một cái bào thai hồng hào sắc máu đang dần co bóp, giãn nở đột nhiên giật mạnh như rùng rùng giãy chết. Trong bóng tối được pha loãng bởi ánh đêm xanh nhạt từ ngoài tràn vào, tôi nhìn thấy đôi mắt nhắm nghiền và cả một gương mặt như bầng say, rã rượi và thảm thiết, đê mê trong niềm khoái lạc miên hằng. Nhưng đúng vào lúc sự lấn lướt nhuốm màu phàm tục sắp đi đến giới hạn của nó, người con gái, như một con cuốn chiếu, bất thần co rúm lại.
- Em van anh...
Trong khoảnh khắc, tôi thấy rõ một đôi mắt kinh hoàng, hoảng hốt. Trong đôi mắt ấy chứa bao nhiêu lời lạy lục, van xin, y hệt mắt một con thú non tuyệt vọng khi bị dồn đến cùng đường.
Tôi run lên trong một ý nghĩ nanh nọc. Ý nghĩ ấy như một mũi dao sắc nhọn truyền băng khí vào năm đầu ngón tay nhạy cảm và tàn nhẫn. Trong đêm nay, cô ta phải trả lời cho tôi câu hỏi Cô ta là ai. Tôi không ham hố xác thịt, tuyệt nhiên không. Sự nài ép chỉ là phép thử. Tôi chỉ cần cô ta gỡ bung tấm mặt nạ và lột trần bản nguyên trên cơ sở của những hành vi thể xác trong sự cộng hưởng với ngôn ngữ tinh thần.
"Em là ai, em là ai... Tại sao anh cứ phải hỏi rằng em là ai? Em đã nói với anh rằng em là cô gái bán hàng vải ở chợ Chiềng, sao anh còn không tin? Mà dù em làm nghề gì, là gái bán hoa hay trộm cướp, em yêu anh, tìm đến với anh, không làm điều gì hại anh, như vậy không được hay sao?". Diễm đã khóc và nói với tôi như thế, khi tôi đưa cô đi xem cảnh chiều tối trên cánh đồng bạt ngàn hoa cải sau làng.
Trên thân thể mềm mềm nóng hổi của người con gái lúc này đã ứa ra những giọt mồ hôi nhớp lạnh. Cô ta vẫn co mình thế thủ. Một sự thương cảm bỗng nhói giữa tim tôi. Nó đến cũng nhanh như ý nghĩ tàn nhẫn xuất hiện một vài giây trước đó.
Tôi nằm im bên cạnh điều bí mật. Và một đêm lại qua đi.
*
Sáng hôm sau, Diễm rời Hà Nội. Tôi tiễn cô qua cánh đồng hoa cải nở vàng, im lặng. Đến khá lâu về sau này, dù bận bù đầu với công trình nghiên cứu, tôi vẫn nhớ đến người con gái đã sống cùng tôi ba ngày đêm trong ngõ hẻm phủ đầy lá rụng. Nỗi nhớ như một ám ảnh, pha chút thương buồn...
Mùa hè năm sau, tôi hoàn thành khóa học. Trở về miền thượng du, tôi quyết định sẽ lần ra dấu chân của Diễm. Nhân một chuyến đi thăm và làm việc với một cơ sở doanh nghiệp, tôi tìm đến hiệu bán vải ở cuối chợ Chiềng. Chủ hiệu là một cô gái trạc tuổi Diễm, răng khểnh, mũi nhọn như mỏ chim. Nghe tôi hỏi, cô ta cười: "Anh quen cái con nghiện trà, nghiện cà phê nặng ấy à? Có dạo nó chung vốn với em, nhưng đã chuồn về thị xã hai năm rồi. Dạo Tết nó ghé qua, có để lại đây số điện thoại di động...". Tôi cảm ơn cô gái. Về thị xã, tôi dừng xe máy tại một trạm điện thoại công cộng. Tôi bấm số. Trả lời tôi là một giọng đàn ông khê nặc và cáu kỉnh: "Diễm nào? Không nhớ Diễm nào hết. Cái gì?... A, đến Cà phê Đêm Rừng mà hỏi". "Xin lỗi, quán ấy ở...". "Thôi ông im mẹ đi! Dân chơi gì mà đụt thế?".
Đêm Rừng ở đâu? Tôi nhìn lên bầu trời vần vũ mây đen, nhớ mang máng một quán karaoke có tên như thế nằm đâu đó trên con đường chạy từ thị xã về huyện. Lúc đó là sẩm tối. Tôi cho xe chạy chầm chậm trên dải đường đất sỏi xuyên qua vùng đồi. Có tiếng nhạc khàn trầm vọng xuống từ một trái đồi cao. Trên đỉnh đồi, một ngôi nhà sàn nâu sẫm mọc chon von như chuồng chim lấp ló sau rặng cây lá kim, xung quanh rải rác vài phiến ghế đá. Đó là Đêm Sơn Trang, một tụ điểm ăn chơi có tiếng của thị xã. Khi xe tôi chạy xuống đoạn đường trũng ven hẻm đồi rậm, trời đổ cơn mưa lớn. Mưa vãi ào ạt xuống những lùm cây sóng rắn bên đường, mạnh như đá trút. Con đường cả tháng qua đã đằm mình trong bao giông gió bất thường của mùa hạ, lúc này sục lên đỏ ngầu những bùn đất. Xe tôi trượt trên những mô đất trơn truội, lảo đảo rồi lún sâu xuống vũng lầy. Rát mặt vì mưa quất, tôi nhổ phì phì, lùi số, nghiến răng vặn ga. Chiếc xe gầm lên rền rĩ rồi chồm vọt, bánh rê ngang. Tôi ngã chúi mặt xuống bùn, đầu gối thúc vào hộp máy nóng ran, đau điếng. Khạc bùn ra khỏi miệng, tôi nằm ngửa mặt nhìn trời, chửi tục. Vợ con tôi ở nhà đang nghĩ gì, làm gì? Tôi đi tìm ai? Một con điếm! Một con điếm có tâm hồn! Một con điếm biết yêu văn chương nghệ thuật! Thật khốn nạn.
Khi xe tôi bò qua một khúc ngoặt, hai hẻm đồi đang thắt lại bỗng nứt ra. Trong đêm tối, tôi nhận ra ánh điện đỏ mờ của trạm kiểm lâm nằm phía trước. Đường nhựa đây rồi. Sau vài phút hỏi thăm, tôi cho xe chạy ngược lên dải đường dốc, rẽ vào một lối hẹp dẫn đến dải đồi thông rậm rạp như rừng. Có tiếng chảy ồ ồ. Một luồng nước từ ruột đồi dẫn qua ống vầu tuôn xuống một cái ao. Trên mặt ao, hai chiếc lều "câu cá thư giãn" bắc chông chênh trên cọc. Tôi tiến về phía ô cửa xanh nhạt ánh điện. Mấy chiếc xe máy dựng ngổn ngang. Đứng khoanh tay trước cửa tòa nhà là một ả đàn bà gầy đét, môi tái nhợt, cặp vú nhọn chĩa ra như hai cái sừng. Chị ta nhìn bộ dạng lấm lem, ướt át của tôi với vẻ khinh khỉnh và giễu cợt. "Anh trai chịu chơi nhỉ?". Tôi hỏi gặp Diễm. "Anh tìm nó có việc gì? Nó đang bận khách".
"Cuối cùng, ta đã tìm ra hang ổ của nàng" - tôi cay đắng thầm nghĩ. Sục sạo quanh ngôi nhà, tôi phát hiện ra những chiếc chòi nhỏ lợp lá cọ nằm rải rác như những lùm nấm trên sườn dốc thoải tối tăm và ẩm ướt của đồi thông. Bên trong những cái tổ ấm cúng ấy là ánh đèn tù mù và tiếng nói chuyện thì thào, tiếng hổn hển, ứ hự, và cả những âm thanh gì đó không giống tiếng con người.
Trong tiếng nhạc vỡ ra từ một căn phòng che rèm xanh, có tiếng hát ồ ồ của đàn ông, hết sức chối tai và sai nhịp. Thỉnh thoảng vóng lên từ biển âm thanh ngầu đục ấy là chất giọng ỉ eo, chua loét của một đứa con gái.
Hơn một tiếng đồng hồ sau, tôi mới lôi được Diễm ra khỏi đám đàn ông say khướt và càn rỡ. Chúng tôi đứng dưới mưa, trên lối đi còn đọng một vũng nước lớn. Lúc này mưa đã ngớt, nhưng xa xa sau dãy đồi tối thẫm, chớp thỉnh thoảng lại lóe lên rạch một đường viền sáng quắc. Cô gái lả vào người tôi như một cái thây mềm oặt, thở hắt ra mùi rượu vang. Trong tiếng nhạc hỗn loạn và tiếng mưa rì rầm, tôi nghe câu được câu chăng những thanh âm khó nhọc, đứt quãng.
Sấm nổ rền như đại bác. Trong dư âm thê thảm của tiếng gầm, tôi nghe có tiếng cười gằn của trời đất. Thì ra một con điếm, quá chai nhàm với thân phận mua bán, trên chuyến tàu giá lạnh ấy đã khát thèm nếm thử cảm giác của tình yêu. Một cuộc tình ngắn ngủi mà sạch sẽ, sáng trong. Giấc mộng ấy sẽ tiêu tan nếu như nó để lộ nguyên hình, trong điểm nút tận cùng của trò chơi thể xác.
Chớp rạch một đường buốt lạnh. Trong ánh sáng xanh lè vụt tắt, tôi kịp thấy chìm nghỉm trong đêm đen một khuôn mặt bợt bạt phấn son, méo mó, nhòe nhoẹt. Và cũng trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận thấy mọi ý tưởng to tát mà mình viết ra đều không đem lại được gì, dù một phần rất nhỏ thôi, cái điều mà người con gái này mơ ước. Bấy giờ, trong sấm gầm, mưa trút, tôi và cô, một gái làm tiền và một người trí thức, chỉ là hai linh hồn bé nhỏ, bất lực và cô đơn.
                                                                                 Lào Cai, 9 - 2003

1 nhận xét: