Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Mẹ!

Tôi có hai người mẹ, như mọi phụ nữ ở trên đời.
Người thứ nhất, dĩ nhiên là mẹ của tôi. Sáng nay, tôi vừa nghe giọng người rất ấm, rất vui... Mẹ phấn khởi vì các con mẹ đã trưởng thành, vì đứa nào ở gần thì quấn quýt làm vui lòng cha mẹ, đứa ở xa cũng biết gửi qua điện thoại lời lễ nghĩa. Người có tuổi, cần gì nhiều đâu...
Tôi thương mẹ, trọng mẹ và biết mình chẳng bao giờ được như mẹ của tôi, dẫu người học hành chẳng đáng là bao. Mà sao tôi vẫn nghĩ, đừng bao giờ kiêu hãnh với đời về bằng cấp. Cái gọi là văn hóa ấy, oái oăm thay, nhiều khi không trùng, thậm chí còn ngược lại với trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của một con người... 
Ông ngoại tôi mất sớm, bị Tây bắn vì tham gia cách mạng, mẹ tôi lúc đó còn chưa kịp chào đời, chưa kịp nhìn mặt cha. Lam lũ trên những cánh đồng, theo ông giáo Lưu học chữ, bữa cơm chỉ toàn độn lá khoai phơi héo... Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện đời mẹ kể, bằng những câu ca về Tống Trân- Cúc Hoa, Phạm Tải- Ngọc Hoa, về Quan âm Thị Kính... 16 tuổi, mẹ tôi giấu bà ngoại ghi danh đi vùng kinh tế mới. 16 tuổi, mẹ chưa kịp có người yêu, tâm hồn phơi phới với khát vọng dựng xây đất nước. Có phải cái thời nhà thơ Chế lan Viên đã viết: "Tây Bắc ư có riêng gì Tây Bắc- Khi hồn ta đã hóa những con tàu- Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát- Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu".
Bạn bè của mẹ, nhiều người không chịu được khổ cực nơi rừng thiêng nước độc đã bỏ về lập nghiệp ở quê. Còn mẹ, vẫn gắn bó với nó và tỏa sáng trong công việc. Sau này kể lại, mẹ tôi nói giản dị: Mình đã tự nguyện ra đi, khổ mấy cũng phải chịu. Nếu bỏ về, làng xóm cười chê... Tôi rất tự hào về mẹ của mình. Người mẹ đã liên tục đạt danh hiệu Kiện tướng hái chè trong các cuộc thi do ngành chè tổ chức. Rất nhiều người thời ấy còn nhớ mẹ, ở quê ngoại, người ta cũng tự hào về mẹ vì được nghe thông tin trên Đài tiếng nói Việt Nam... Tôi không được thấy mẹ trong các cuộc thi, nhưng tôi đã chứng kiến sự tài hoa của mẹ. Bàn tay mẹ thoăn thoắt trên những luống chè xanh, những nắm chè trên hai bàn tay mẹ xòe ra như hai cánh quạt biếc ngời, mười búp như mười không già không non. Có phải vì thế mà bao người con trai say mê mẹ?
Mẹ tôi là người phụ nữ có nhan sắc. Công việc lao động vất vả không làm mất đi vẻ đẹp trời sinh của mẹ. Một dạo mẹ về quê chồng, đi chợ Phố Nối, vẫn có người trai lẽo đẽo theo mẹ về tận nhà chồng vì không tin lúc đó mẹ đã có chồng và có tới 3 con. Bây giờ mẹ đi chợ lấy hàng, người ngoài vẫn bảo trông bà nhàn nhã lắm, chồng bà quan chức phải không?
Người ta không hiểu vì sao mẹ tôi lại lấy bố tôi, một người đàn ông lòng khòng, xấu trai nữa chứ. ( Mà chết dở, mấy đứa con gái của mẹ giống cha như hệt, chẳng được hưởng tí di truyền nào vẻ ngoài của mẹ cả). Mẹ không theo người ta về thành phố, thị xã mà lại gật đầu một anh kỹ sư nông lâm xấu trai và nghèo rớt mồng tơi. Tôi thì biết vì sao rồi, bố tôi tâm lý và chu đáo lắm, lại viết thư hay nữa nhé. Ngày còn nhỏ, tôi nghịch ngợm lục tung mọi thứ có trong nhà. Cả những thứ bố mẹ tôi cất vào một cái tủ nhỏ không bao giờ khóa. Cứ người lớn đi vắng, rảnh rỗi ở nhà là tôi lôi ra đọc. Trời ơi, bao nhiêu là thư tình. Bố tôi viết cho mẹ những bức thư nồng thắm yêu thương, chữ nghĩa rõ ràng, rất đẹp, lại vào khoảng thời gian " Không giờ"(Lúc đó, tôi không biết không giờ là mấy giờ nữa chứ). Được cái tôi chẳng nói với ai, băn khoăn mãi mới hỏi bố" Bố ơi, không giờ là mấy giờ ấy nhỉ?". Với sáu chị em chúng tôi, bố luôn là thần tượng, làm sao mẹ có thể không yêu bố được cơ chứ?
Tôi nhớ nhất một kỷ niệm thời thơ bé, chị em tôi làm mẹ giận. Mẹ la mắng ghê lắm, thấy mẹ đi tìm cây gậy, tôi ba chân bốn cẳng chạy vút ra khỏi nhà. Chơi chán ở các nhà hàng xóm, tối hẳn tôi mới lẻn về. Đằng sau nhà, mẹ tôi chất đầy lá mía khô, cao gần đến mái. Tôi dọn chỗ định bụng ngủ qua đêm, tại sợ bị đánh lắm. Đang thiu thiu ngủ, tôi nghe tiếng mẹ gọi. Hình như mẹ bảo: Có con chuột nào đang làm tổ ở đây... Mẹ ôm tôi vào lòng, lấy cơm cho tôi ăn, suýt xoa vì tôi bị muỗi cắn. Mẹ ơi, con biết lỗi rồi. Mẹ tha thứ cho con nhé!
Mẹ tôi còn là người phụ nữ rất tinh ý, điều này thì tôi thua hẳn mẹ. Ngày tôi học Đại học, mẹ xuống thăm, thầy giáo tôi lên chơi, nói sẽ đưa mẹ ra ga, nói muốn về thăm bố mẹ mà tôi chưa đồng ý. Sau đó mẹ khuyên tôi: đó là một người tốt, có thể che chở cho con suốt đời. Tôi ương ngạnh không nghe mẹ. Tôi nghe tuổi trẻ của tôi...
Ngày tôi đưa bạn trai về nhà ra mắt bố mẹ. Mẹ bảo: người ấy có lông mày xếch, mắt cá chày, sẽ không vừa đâu, con ạ. Chết thật, nhận lời người ta, biết nhau cả năm rồi mà tôi vẫn không để ý gương mặt người ta có gì đặc biệt. Nhìn kỹ lại, thì ra đúng như lời mẹ nói...
Ngày em trai tôi ăn hỏi, tôi không có mặt ở nhà. Gọi điện cho mẹ chúc mừng, giọng mẹ xúc động lắm. Hỏi mẹ làm sao thế? Chuyện vui mà, cớ sao mẹ khóc? Mẹ nói đem xe đem lễ đi dạm hỏi con gái người ta, lại thương con gái mình... Thôi mà mẹ, nhắc chuyện cũ làm gì cơ chứ, thời thế thế thời biết làm sao...
Có đợt mẹ ốm nặng, phải về Bạch Mai điều trị, tôi đã ở bên mẹ suốt hai tuần, mẹ đau mà không hề kêu than, chỉ lo bố và chúng tôi vất vả. Ôi tấm lòng của mẹ!
Mẹ đừng thức khuya dậy sớm nữa nhé, ham bán hàng họ vừa vừa thôi. Sao mẹ cứ phải luôn chân luôn tay như thế. Nhà nước cho nghỉ ngơi mà chẳng chịu nghỉ ngơi. Con cái thì phương trưởng cả rồi, sao mẹ lại vẫn cứ lo cho con cháu... Luôn thương cái đứa ở rất xa...
Ngày 8/3, tôi không có bông hoa nào tặng mẹ. Hồi ức như vệt sáng lung linh, soi tỏ tấm lòng yêu thương của mẹ. Những điều tôi viết rút cục cũng cho mình, bởi chẳng bao giờ bố mẹ và các chị em tôi đọc được.
Con gái út của tôi đến bên, vòng tay qua cổ tôi âu yếm: "Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm. Mẹ viết gì lâu thế?...".

2 nhận xét: