Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Không đề


tamtay.vn - photo - anh dong dep_b

Trái tim em

run rẩy
một chiều nay
Đông bớt lạnh
nắng về
trên lối nhỏ
Câu thơ ai
ngập ngừng
qua ngõ

Chút lửa lòng
gặp gió
chợt bùng lên
Nhớ anh nhiều
anh có biết
Đêm đêm...

nenchay1

Với em!


Photobucket
Chẳng có chữ nào để nói với em
Im lặng nhé! Suốt một mùa lá đổ
Em - người đàn bà mong manh như gió
Nhói lòng tôi mỗi chiều!

Chẳng có chữ nào để nói với em đâu
Người con gái của một thời xa lắm
Em ngây thơ hay em vụng dại?
Bướng bỉnh vô cùng. Tôi nói có được đâu!

Qua nơi em một chiều lập đông
Không muốn gặp...Em ơi...Không gặp
Ly cà phê thốt nhiên chợt đắng
Hàng long não nào
Xanh mãi
Trái tim tôi!

Thư giãn: Chùm thơ vui

Trung thu - dành cho các bé!
Nào trại Trung thu được dựng lên, chương trình ca nhạc, đèn lồng, cờ hoa rộn rã!
Nào phát phần thưởng, phá cỗ trông giăng, nào tiệc ngọt tiệc mặn cho các bé và phụ huynh của bé!
Mình ngơ ngẩn - nhớ lại những mùa Trung thu trước...
Bất chợt tin nhắn phương xa, khách khí mà ấm lòng: "Kính chúc bạn và gia đình có một mùa Trung thu ấm áp tình thân". Ừ nhé! Ấm áp tình thân!
Rồi quà Trung thu đến, từ một đồng nghiệp rất...rất vui tính. Mình không thể nhịn được cười. Uh! "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Mình bảo với anh: em sẽ post lên mạng, để giữ gìn được lâu. Này "Úm  ba la, mở ra sẽ...cười", ka ka....
Đặt tên món quà thơ của anh là gì nhỉ?
Thôi thì cứ nguyên bản đăng lên vậy. Cảm ơn đ/c anh nhé! Hi...hiiiiii..........


   THÁI BÌNH - THÁI LAN

     Thái Bình tìm đến Thái Lan
(Một Thái đi với hai: Lan và Bình)
    Thái Bình chính của quê mình
Thái Lan xem để biết mình biết ta
    Thái Bình đẹp, trẻ, quê nhà
Thái lan xa, đắt, chưa già đã sâu (show)
    Đi rồi càng ngẫm cái câu
"Xem của lạ để bớt sầu thêm vui"!
  

             CỬA LÒ

    Cửa Lò ai đó biết không
Vào chơi mới thấy lắm mông nhiều giò
    Cửa Lò vừa rộng vừa to
Xung quanh cây cối nhỏ to xanh rờn
    Trước cửa có một cái bơn
Bơi ra mới thấy sướng hơn ngồi bờ
   Ngắm nhìn phong cảnh nên thơ
Cửa thì đã tới, ước mơ vào lò!



     CỬA ÔNG - VÂN ĐỒN

     Cửa Ông bên cạnh Vân Đồn
Vân Đồn muốn đến - qua đền Cửa Ông
    Cửa Ông có núi có sông
Vân Đồn có biển có rừng xanh tươi
   Cửa Ông cao đứng giữa trời
Vân Đồn rộng cửa đón người tham quan
    Nắng mưa gió bão...thời gian...
"Đôn Vần" mãi mãi vẫn gần "Ổng Cưa"



       HAI ĐẦU....NỖI NHỚ

    Năm ngoái vào tới Cửa Lò
Năm nay lại ngược chuyến đò - Cửa Ông
    Cũng rừng cũng biển cũng sông
Vẫn con thuyền nhỏ nằm không...đợi chờ
    Gió mang sóng đến vỗ bờ
Quen mà lạ tưởng bây giờ- hôm qua!
    Hai cửa vừa gần vừa xa
Vào "Cửa" nọ lại xọ ra "Cửa" này!


              MÓNG CÁI

     Móng cái to đẹp, còn son
Luôn luôn bên cạnh móng con từng ngày
    Các móng chung một bàn tay
Đoàn kết gắn bó dựng xây gia đình
    Trỏ, giữa, nhẫn, út chung tình
Vắng móng đực, cái một mình nuôi con
   Trăm năm tình nghĩa vuông tròn
"Cái" mà không "đực", đông con mới tài!

            ( Thơ Vũ Khắc Nhượng)

Vạt sáng lạ kỳ!

Đã  bao lần tôi tự hỏi: Tại sao không tắm mình trong miền sáng ấy???
Miền sáng, đúng hơn là khoảng sáng, là vạt sáng. Thứ ánh sáng diệu kỳ tôi may mắn được chứng kiến trong đời.
Một chuyện lạ lùng, lạ lùng như chính bản thân cuộc sống!
Và mọi thứ lý giải, hoặc do cha tôi- người thầy đầu tiên và kính mến nhất của tôi, hoặc do tôi tự kiếm tìm trong sách vở, trên Google... đến bây giờ đều chưa làm tôi thỏa mãn.Tôi vẫn luôn băn khoăn, thứ ánh sáng đó là gì?
Tôi đã cất giữ mãi, như một thứ của riêng, và thỉnh thoảng hồi tưởng lại, thêm một lần tự trách...
Rất lâu rồi, khi tôi còn là một con nhóc, khoảng 12, 13 tuổi...
Cái ngày rất xa xôi, bọn trẻ chúng tôi ngoài giờ học trên lớp, tuyệt đối không phải đi phụ đạo, học thêm buổi nào. Có bao nhiêu thời gian, lũ nhóc ấy giúp bố mẹ đủ thứ việc. Và lao động là một lẽ đương nhiên, với hết thảy bạn bè tôi thuở ấy.
Hái măng, lấy củi, chăn bò, cất vó tôm... Thích nhất là cất vó tôm, vào những chiều chạng vạng, hoặc sáng sớm, tôm nhảy tanh tách trong lòng vó, thảng hoặc nặng trĩu tay kéo, sũng sĩnh ước chừng quả cà pháo to, chao ôi là thích!
Lần ấy, có lẽ cũng vào một buổi thu như hôm nay, nhằm ngày nghỉ, tôi hẹn bạn đi cất vó sớm. Bình thường thì bạn vẫn qua nhà tôi gọi, nhưng hôm ấy...đặc biệt hơn mọi lần.
....Nhóc con là tôi thức dậy, mắt nhắm mắt mở quáng quàng vơ váo đồ nghề rồi mải mốt lên đường. Tôi không nghe thấy bạn gọi, lẽ nào nó quên? Thì tôi sang gọi vậy, dẫu ngược đường lắm lắm. Đứng mãi ở cổng nhà bạn, đáp lại tiếng gọi của tôi chỉ có ánh trăng nhạt nhòa, không gian mênh mang... và tiếng chó nhà bên tru tréo...
...Tôi lầm lũi bước, ánh sáng vằng vặc soi con đường mòn khi tỏ khi mờ, chân đất mát rượi bởi cỏ đẫm sương đêm, con đường đến bờ hồ dài lắm, dễ chừng đến dăm bảy cây số chứ chả chơi. Tôi bất chợt rùng mình vì trời mỗi lúc một tối, con đường rừng dẫu quen thuộc vẫn chứa đầy bí hiểm, tiếng bước chân mình mà lại nghe như  tiếng bước chân ai đằng sau vậy. Tuyệt nhiên không dám ngoảnh đầu nhìn lại, những bụi cây chăng đầy dây tơ hồng bên đường trông xa chẳng khác những bóng người... Lúc đó tôi mới biết mình đã thức dậy quá sớm, thấy ánh trăng lại tưởng trời sáng, và tôi học thêm được một bài học thực tế: trước bình mình, đất trời sẽ tối đi.
... Bãi đỗ của tôi là một lòng hẻm hồ Thác Bà, hai cánh rừng áp sát tạo thành đường vòng cung. Chúng tôi mới khám phá ra chỗ cất vó lý tưởng này, bởi chỗ lạ bao giờ cũng hứa hẹn nhiều tôm tép hơn những nơi thường cất quen.
... Tôi đã đặt xong mấy chục cái vó tôm xinh xinh của mình, và chờ đợi để cất mẻ đầu tiên. Lúc này trời đã tảng sáng, không còn cái vẻ huyễn hoặc của đêm tối để nhát những kẻ yếu bóng vía. Tôi đưa mắt ngắm nhìn xung quanh, cánh rừng bên tay trái tôi mới bị đốt trọc, chỉ còn sót lại lác đác những bụi cây nứa nhỏ, than đốt còn dầy, rau má chưa kịp mọc, có một cây gỗ mục to tới năm sáu người ôm đổ dài từ đỉnh đồi tới chân đồi, hầu như chia quả đồi thành hai nửa. Còn phía bên kia vẫn là rừng xanh, thứ rừng xanh nguyên thủy hằn in trong ký ức.
...Tôi mê mải ngắm nhìn bình minh nơi rừng hoang thanh khiết, tận hưởng bầu không khí mát lành mà mãi đến sau này không tìm lại được ở đâu. Thế mà nhà văn Phạm Duy Nghĩa khi viết truyện về rừng, về hồ Thác Bà lại chứa đầy ma mị, rằng có dị nhân tài hoa chết gãy cổ vì cây đổ trong rừng và người ta vẫn thấy quầng đen hình con ma cụt đầu thoắt ẩn thoắt hiện lúc sáng sớm hay chiều buông, ai không quen chắc phải sợ chết khiếp!
...Cái mà tôi nhìn thấy, ban đầu là một vùng sáng, vùng sáng vàng đổ đều, chậm rãi và chẳng mấy lúc phủ đầy cả nửa quả đồi mênh mang đã bị khai hoang, bắt đầu từ cái cây đổ rất to về phía giáp cánh rừng trước mặt. Thứ ánh sáng lạ kỳ khiến tôi không dừng được sự tò mò của mình, chạy một mạch lên quả đồi ấy, đứng ngay phía giáp ranh cạnh cái cây bị đổ, cách vị trí vùng sáng chừng 1 mét. Trước mắt tôi, cả một không gian được phủ đầy ánh sáng, thứ ánh sáng vàng trong, đẹp đẽ vô ngần, nó không nhàn nhạt mơ hồ như ánh trăng, không sóng sánh như mật ong, tuyệt nhiên không phải là màu vàng nắng. Có những
chỗ ánh sáng không lấp tràn được, đó là  màu xanh của cây rừng, bụi nứa nhỏ còn sót lại, màu vàng chỉ lấp loáng trên màu xanh ấy. Tôi đã quan sát rất lâu, không nhìn thấy mặt trời, để khẳng định rằng thứ ánh sáng kia không phải là sản phẩm hồi quang của vầng dương.
Có điều lạ là chỉ một nửa cánh rừng được rót miền sáng ấy, còn một nửa từ cây gỗ mục ngăn chia kia trở vào là vẫn lặng im, đau đáu một màu đen xám. Và con nhóc là tôi đứng ngây như trời trồng trước hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, và suy tính câu trả lời: là lân tinh đất, là lân quang, là....
Đã mấy lần tôi dợm chân định bước vào vùng sáng ấy, chỉ để giải đáp một thắc mắc: liệu người mình có nhuộm vàng như đám đất rừng củi khô kia không, hay giống màu xanh của lá, không tiếp nhận sắc màu??? Nhưng rồi tôi sợ, hình như có lần thầy giáo bảo, con người sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động lý hóa của sự vật, hiện tượng...
Tôi cũng định giơ tay, một nửa cánh tay thôi cũng được, vào vùng sáng ấy, nhưng rồi...
Và vì những do dự ấy, mãi mãi tôi mất đi cơ hội, mãi mãi không có câu trả lời! Giận mình quá đi!
...Vạt sáng kỳ diệu ấy ở lại khá lâu, ước chừng 15, 20 phút rồi mờ dần. Tôi nhìn lên cánh rừng trước mặt, tiếp giáp với vùng đất vừa được phủ sáng, chợt nhận ra một vệt sáng vàng chạy dài trên đỉnh các ngọn cây thành hình vòng cung...
...Thế rồi tan loãng đi, trong bao nhiêu là ngẩn ngơ, trong bao nhiêu là tiếc nuối...
...Và cho đến hôm nay, tôi vẫn thao thức chờ đợi một lời lý giải, một câu trả lời...

Ba ông tiến sĩ làm thơ- Nguyễn Thị Lan

(Đọc tập thơ “Tam ca” Nguyễn Trọng Hoàn, Vũ Nho, Trần Đăng Thao NXB Hội Nhà văn 2007)
 

Ở họ có rất nhiều điểm tương đồng. Cả ba từng là thầy giáo dạy văn và sau này là tiến sĩ văn chương. Nguyễn Trọng Hoàn và Vũ Nho đều công tác tại Vụ giáo dục Trung học - Bộ giáo dục và Đào tạo. Còn Trần Đăng Thao làm việc tại báo Giáo dục và Thời đại. Họ đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đều yêu thơ đắm đuối. Với họ hạnh phúc là được làm thơ, đó là sự thoả mãn lớn nhất những mong muốn tự biểu hiện của bản thân họ.
Và đến hôm nay họ lại ngồi cùng nhau trong một “bữa tiệc” thơ. Nếu thơ là “điệu tâm hồn” của con người thì “Tam ca” là bản hòa âm của những “giai điệu tâm hồn” mà mỗi giai điệu đó ẩn chứa một thế giới nghệ thuật.
Trong ba ông tiến sĩ trước hết tôi muốn nói về Nguyễn Trọng Hoàn, bậc đàn em ít tuổi nhất và thơ anh cũng “trẻ” hơn cả. Có thể dùng chữ “đa cảm” cho thơ anh và con người anh. Anh là người đa cảm, dễ xúc động, dễ bị tổn thương. Thơ Nguyễn Trọng Hoàn nhạy cảm, thiên về cảm giác. Cảm quan của anh tinh tế, hồn nhiên, trong sáng. Tôi thích cái giọng lắng nhẹ, mênh mang trong thơ anh.
Thơ Nguyễn Trọng Hoàn khá đa dạng về đề tài. Như một cuốn nhật ký bằng thơ anh viết về những vùng đất mà anh đã từng đặt chân đến: Cà Mau, Đà Lạt, Tokyo, Paris,.. những mảnh đất đã “hoá tâm hồn” anh. Đây là khúc nhạc buồn dạo đầu trong bài thơ “Paris tạm biệt”.
Biết thế nào rồi cũng phải chia xa
vẫn hốt hoảng trước mơ hồ sợi gió
đã kịp gì đâu…thế mà vương nợ
một ánh chiều tơ mật rót bâng khuâng
Những câu thơ thảng thốt, bâng khuâng… Anh tạm biệt Paris như tạm biệt mối tình đầu của mình. Chỉ những người giàu tình cảm mới có những dòng thơ như thế.
Nguyễn Trọng Hoàn cũng hay viết về tình yêu, đó là thứ tình yêu trong sáng, trinh bạch của “cái thuở ban đầu” mà anh gọi là “một khung trời linh diệu hoang sơ”. Năm tháng qua đi, anh vẫn nhớ về “trong ký ức có một lần mười chín”; để mỗi lần nhớ lại anh lại thấy bâng khuâng:
“Có một lần mười chín ngất trên môi
Choáng váng nụ hôn, rã rời bỏng khát”
Tình yêu ấy đẹp, ngát hương như bông sen nở giữa đầm. Là người đa cảm, dễ xúc động, dễ khóc, chàng thi sĩ ấy đã từng thương một giọt sương ban mai tan dưới bàn chân và anh:
“…đã khóc trước dịu dàng ánh sáng
Sớm tinh mơ bước thật khẽ khàng
Sợ xé loãng làn hương bảng lảng
Muốn sang sông không dám gọi đò ngang!
(Khế ước)
Bài thơ “Khế ước” có thể coi là bức chân dung tự họa tâm hồn của Nguyễn Trọng Hoàn.
Thơ Nguyễn Trọng Hoàn Buồn và Đẹp. Anh đã có những câu thơ khá hay về tình yêu và đẹp về nỗi buồn. Hay nói cách khác đó là “Cái Đẹp mang bộ mặt Buồn”.
Nhưng những bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Hoàn lại là những bài viết về tuổi thơ. Lúc đó thơ anh đưa người đọc đến một xứ sở khác, một xứ sở đầy chất thơ của những quá khứ, hoài niệm. Tuổi thơ ngây thơ, trong trắng, bình yên thanh thản đó là “vùng đất” để anh nhớ về, mơ về, nơi đó mang từ trường cảm xúc của anh.
Pruxt - nhà văn Pháp, tác giả cuốn tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” cho rằng: “ký ức là một sức mạnh sáng tạo”; ông khẳng định “Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất”. Với Nguyễn Trọng Hoàn “những thiên đường đã mất” có lẽ là tuổi thơ. Anh hay viết về tuổi thơ. Anh có cả một bài thơ để “kính gửi thế giới tuổi thơ”, bài “Khế ước”. Trong thế giới tuổi thơ của anh có khu vườn cổ tích, có người bà thân thiết, có một bến đò ngang, có những “người bạn” thân thiết: một chú chuồn chuồn, một lũ châu chấu áo mớ bảy, mớ ba…
Các hồi ức về tuổi thơ ấy làm tươi mát tâm hồn và là nguồn ánh sáng đem lại cho anh những khoái cảm tốt đẹp nhất. Tình yêu thương thuần khiết trẻ thơ như những tia nắng rực rỡ trong thơ Nguyễn Trọng Hoàn. Anh đã giữ cái nhìn trẻ thơ này trong suốt cuộc đời làm thơ của mình.
                                                                                     *   *
                                                                                       *
Ông tiến sĩ thứ hai trong “Tam ca” là Vũ Nho.
Trước khi đến với thơ Vũ Nho là một nhà nghiên cứu phê bình được người đọc yêu mến, tin cậy. Trong lĩnh vực thơ, Vũ Nho viết không nhiều. Thơ không phải là sở trường của anh. Tuy vậy, thơ anh cũng có những nét riêng, có một vài bài, một số câu gây ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Trong “Tam ca” khác với hai thi hữu, Vũ Nho chỉ làm một đề tài duy nhất: thơ tình. Có thể dùng chữ “Đa tình” cho thơ anh và con người anh.
Vũ Nho đi nhiều. Lần giở thơ anh ta thấy dấu chân anh đặt đến khắp các miền của Tổ quốc từ Bắc vào Nam và suốt một dải miền Trung: Điện Biên, Thái Nguyên, Đà Lạt, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sông Hậu… Có khi cụ thể hơn: một con đường Thùy Vân, một khách sạn Hoa Phượng Đỏ, một nhà hàng Ngọc Nguyên, một quán Hạ Long…Tất cả những địa danh đó đã đi vào thơ anh như những kỷ niệm, nhớ thương quyến luyến vô cùng.
Vũ Nho yêu những vùng đất mà anh đã đi qua và anh càng yêu những con người ở đó. Không phải ngẫu nhiên mà người thi sĩ đa tình ấy đi đến đâu là gửi lòng mình ở đấy.
Ở Cần Thơ anh gửi lòng mình qua câu hát “Sao em nỡ vội lấy chồng”. Đến Thái Nguyên anh như sống trong mơ:
“Mơ trong ta và ta trong mơ
Đi giữa thiên đường
Dành cho đôi lứa
Chẳng ao ước gì thêm nữa
Khi chúng mình in trong mắt nhau”
    (Những gì ta yêu cho nhau)
Vùng đất Vũng Tàu anh thấy cái gì cũng “đặc biệt”: Trời, cát, sóng biển, rượu…bởi vì Vũng Tàu có “em”.
Đến thị xã Ninh Bình anh thấy “ngọt ngào thị xã” vì nơi đây người làm thơ có một mối tình say đắm:
“Tay ấm trong tay
Mắt say trong mắt
Thị xã yêu đắm say ngất ngây
Nồng nàn trăng chín ngọt môi hôn”
    (Ngọt ngào thị xã)
Ở Sơn La, Vũ Nho say cảnh say người đến mức “quên về”.
Với anh, tình yêu nào cũng như “tình yêu thứ nhất” chỉ những người đa tình mới có những tình cảm như thế.
Đọc thơ tình của Vũ Nho tôi tự hỏi: những vùng đất đi qua, nhưng kỷ niệm thoáng qua sao cũng đủ Đẹp và Đắm say trong thơ anh? Phải chăng ở anh bao giờ cùng thường trực một tình yêu với con người và cuộc đời. Phải chăng trong anh bao giờ cũng tràn đầy một trữ lượng tình cảm dồi dào, mãnh liệt và trữ lượng tình cảm ấy anh dành cả cho thơ tình.
Xưa nay, thơ tình yêu là nơi dễ bộc lộ tâm hồn, tính cách của người viết. Bằng vào thơ tình, người đọc có thể cảm nhận ra tầm vóc tâm hồn của từng người. Với Vũ Nho yêu và thơ yêu luôn luôn đồng nhất. Anh là người làm thơ tình, viết thơ tình bằng chính cuộc đời riêng của mình. Và dù ở trạng thái tình cảm nào: hoặc niềm hoan lạc, hoặc nỗi nhớ nhung, hoăc một thoáng rung động bâng khuâng…thơ anh cũng làm cho người đọc xúc động bởi sự mãnh liệt, sôi nổi, trẻ trung; bởi sự chân thành, nồng ấm.
Xin viện dẫn một câu thơ trong bài “Mãi mãi”
“Khi ta hát riêng tặng nhau và hòa chung giọng hát
Bài “Ở hai đầu nỗi nhớ” chưa hay như thế bao giờ
Sẽ còn nhắc những cơn gió thơm vị biển
Thổi tóc em bay vào anh quyến luyến
Cả đến trong mơ cũng chưa mơ như thế bao giờ”
Đây là một trong những câu thơ đẹp nhất của Vũ Nho trong “Tam ca”. Câu thơ chỉ kể, bút pháp không có gì mới, ngôn ngữ bình dị mộc mạc nhưng sao cứ ngân nga tha thiết trong lòng người đọc. Phải chăng bởi tình cảm chân thành, nồng nàn say đắm của người viết? Phải chăng trong câu thơ đó mang cả lòng biết ơn người đàn bà đã đem đến cho anh những phút giây hạnh phúc mà ngay “cả đến trong mơ” anh “cũng chưa mơ như thế bao giờ”?
Thơ tình của Vũ Nho đôn hậu, đa tình như con người Vũ Nho vậy.
                                                                                       *   *
                                                                                         *
Ông tiến sĩ thứ ba trong “Tam ca” là Trần Đăng Thao.
Ở ngoài đời Trần Đăng Thao đã gây cho bạn bè một ấn tượng mạnh về sức làm việc, ngoài việc điều hành tuần báo Giáo dục và Thời đại với tư cách là Tổng biên tập, anh còn dạy học, viết báo, dịch sách, viết nghiên cứu phê bình, đi nói chuyện với tư cách báo viên. Anh là một nhà hoạt động trên địa bàn văn hoá xã hội rộng rãi.
Bước sang lĩnh vực thơ anh đã ra mắt bạn đọc sáu tập thơ, ngoài ra còn in chung mười tám tập với các thi hữu.
Trong “Tam ca” Trần Đăng Thao góp mặt với mười tám bài chia đều cho ba mảng thơ: thơ chữ Hán, thơ tứ tuyệt và thơ tự do. Về đề tài, thơ Trần Đăng Thao thật đa diện. Anh viết về tình cảm quê hương, gia đình, bạn bè, thiên nhiên, con người, lịch sử. Dù viết về đề tài nào với thể loại nào cái “tôi” trữ tình của người làm thơ hiện ra vẫn nhất quán. Thơ anh như con người anh vậy phóng khoáng, chí tình chí nghĩa và uyên bác.
Trần Đăng Thao đi nhiều. Do công việc dạy học và báo chí đòi hỏi anh phải đi. Những nẻo đường của đất nước từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam, rồi đất nước Trung Hoa rộng mênh mông… đi đến đâu anh cũng gửi thơ mình ở đó.
Đây là đất Phật Yên Tử khi thi nhân “chống gậy vô thường” lên thăm
“….Hàng tùng nghìn tuổi vẫn chờ ta.
Mang mang mây núi, mang mang Phật,
Thăm thẳm hương trời, vô lượng hoa.
(Yên Tử)
Còn đây là một Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) với trời đất hùng vĩ, non nước đẹp tươi:
“Trời tạo Bồng lai đệ nhất kì
Thanh, u, tĩnh, nhã cổ kim hy
Đất sinh kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ
Người ứng Đông, Tây, Nam, Bắc chi”
(Cảm xúc khi qua Ngũ Hành Sơn)
Cảnh tráng lệ và tâm hồn con người làm thơ cũng phóng khoáng, bay bổng cùng với ngoại cảnh. Bài thơ man mác phong vị Đường Thi.
Đến Hậu Giang, vùng đất trù phú của miền Tây Nam Bộ, Trần Đăng Thao yêu say đắm cảnh và con người nơi đây. Tình yêu đó đã tuôn chảy thành những dòng thơ ca ngợi nhiệt thành:
“Chưa ở đâu, gió đa tình đến thế
Chiều Hậu giang, xanh đến vô cùng
Chưa ở đâu, đất hào phóng thế
Những mắt xoài, ăm ắp nhớ nhung
Chưa ở đâu, đời đôn hậu thế
Ơi Hậu Giang nhân nghĩa, thuỷ chung”
(Chiều Hậu Giang)
Say cảnh, anh lại càng say người. Những cô gái “Dáng dịu dàng thon thả lưng ong” làm con tim thi nhân rung động.
Câu kết bài thơ “Chiều Hậu Giang” là lời rủ rê của chàng thi sĩ đa cảm, đa mang:
“Em có theo anh về đất Bắc
Bến Ninh Kiều, có bấy nhiêu xa”
“Chiều Hậu Giang” là một trong những bài thơ hay của đời thơ Trần Đăng Thao.
Trần Đăng Thao không phải là người hay rượu nhưng trong thơ anh hay nói đến uống rượu. Anh có cả một bài thơ chỉ nói về rượu, bài “Tửu”. Hình như khi rượu vào anh càng yêu con người hơn. Anh mượn rượu để giãi bày tình cảm với con người. Đến Hậu Giang anh “Nâng ly rượu nghĩa tình bầu bạn”. Về Thái Nguyên anh tha thiết mời mọc:
“Bạn hãy cạn thêm ly rượu nữa
Thái Nguyên se lạnh, chớm Đông rồi
Mắt bạn dường như đang chớm lửa
Thắp kho tình nghĩa giữa tim tôi”
(Uống rượu ở Thái Nguyên)
Khóc bạn là tiến sĩ Hà Bình Trị, trong vô vàn kỷ niệm anh nhớ: đầm ấm, sâu lắng, cháy bỏng:
“Trong căn phòng nhỏ
Bạn cùng tôi, chén rượu sẻ chung”
“Cánh buồm khuất bóng bể dâu
Mặc cơn mưa lệ, trắng cầu nhân gian”
Tình bạn với Trần Đăng Thao như một nhu cầu tất yếu của tâm hồn.
Trần Đăng Thao sống không thể thiếu bạn.
Đọc thơ Trần Đăng Thao tôi cứ nghĩ đến người Nam Bộ: giản dị trong tâm hồn, tình cảm trong sáng, tính cách hào phóng, coi trọng nghĩa tình.
Như trên đã nói trong “Tam ca” Trần Đăng Thao làm nhiều thể loại thơ nhưng có lẽ với thơ tứ tuyệt anh thành công hơn cả. Thơ tứ tuyệt của Trần Đăng Thao bút pháp khá thuần thục, anh biết phô diễn một cách kiềm chế, kiệm lời tiến tới độ hàm súc, cô đúc; có cả tính triết lý tiềm ẩn bên trong. Đây là mảng thơ có cốt cách riêng của Trần Đăng Thao. Thơ tứ tuyệt của anh có những bài hay như: Hoàng lan, Vô đề, Hồn thu, Dáng thu, Cúc.
Là một thầy giáo từng giảng dạy ở Trung Quốc, một dịch giả Hoa ngữ, Nga ngữ, Trần Đăng Thao làm nhiều thơ chữ Hán. Mảng thơ này như một “đặc sản” độc đáo của anh. Ở Việt Nam, một nhà thơ tuổi ngũ tuần lại làm và xuất bản thơ chữ Hán như Trần Đăng Thao hình như không có. Thơ chữ Hán của Trần Đăng Thao cho ta thấy anh quả là một người uyên bác.
                                                                                                   *   *
                                                                                                     *
Khi đang viết những dòng cuối cùng này tôi được biết Trần Đăng Thao, Vũ Nho, Nguyễn Trọng Hoàn đang cùng bạn bè gặp mặt đầu xuân. Chắc lúc này Trần Đăng Thao đang “nâng ly rượu nghĩa tình bầu bạn”, Vũ Nho và Nguyễn Trọng Hoàn đang đọc thơ. Cầu chúc cho các anh và những nàng Thơ của mình trẻ mãi, tươi tắn như mùa xuân. Xin gửi tới các anh những dòng thơ của Puskin như một lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp đầu xuân:
“Cầu trời phù hộ! Bạn tôi ơi!
Trong mọi lo âu của cuộc đời
Tiệc tùng phóng túng tình thân hữu
Trong cả tình yêu đẹp tuyệt vời!”

Hải Dương, mồng 7 Tết Xuân Mậu Tí 2008

(Nguồn: http://trannhuong.vn/news_detail/1609/BA-%C3%94NG-TI%E1%BA%BEN-S%C4%A8-L%C3%80M-TH%C6%A0)

Em bỏ chồng về ở với tôi không - Đồng Đức Bốn

Xa một ngày bằng triệu mùa đông 
Em bỏ chồng về ở với tôi không? 
Nỗi nhớ em cồn cào như biển 
Nơi em ở tôi đi và tôi đến 
Cho tháng ngày em sống bớt cô đơn 


Con muỗm xanh trên sóng lúa rập rờn 
Mùi cỏ dại vẫn ven bờ nước đắng 
Tình của em như một tờ giấy trắng 
Mãi bây giờ tôi mới viết thành thơ 

Tình của em như lối rẽ bất ngờ 
Tôi đi đến trọn đời còn chưa biết 
Dẫu cho đến tận cùng cái chết 
Em bỏ chồng về ở với tôi không? 

Tôi không tin rằng trong bão giông 
Em cam chịu con tàu chết chìm trên sóng 
Và tôi tin rằng trong cát bỏng 
Em- Cây xương rồng vẫn hoa 

Em ở gần tôi lại ở xa 
Tim vẫn đập về nơi em nhiều nhất 
Và tôi tin tình em là có thật 
Những lúc buồn tôi mới viết thành thơ 

Và niềm vui có khi đến bất ngờ 
Tôi lại hát ru em ngủ 
Nhà của em ở giữa phường Trung Tự 
Cây tháp nước bồn hoa còn nhớ chỗ ta ngồi 

Cỏ nát rồi cỏ mới lại sinh sôi 
Hoa vẫn nở mùi hương đằm thắm 
Và tôi tin một ngày gần lắm 
Em bỏ chồng về ở với tôi không?  

                     (Đồng Đức Bốn)
                 
                       *
                 *            *


Không hiểu tại sao, tôi lại ám ảnh về bài thơ này của thi nhân đến vậy?

Còn nhớ, một đồng nghiệp nam vô tình đọc được bài thơ lưu trong máy tính của tôi, rất lâu rồi, đã lặng lẽ nhắn tin cho cô người yêu cũ:
 "Xa một ngày bằng triệu mùa đông
Em bỏ chồng về ở với tôi không?"

Hóa ra, đời còn khối kẻ "hạnh ngộ tương thông" như thế!

Tình yêu của "tôi" với "em" mới mãnh liệt, dũng cảm  làm sao...Nó bất chấp cả thực tế cay nghiệt rằng "em" đã có chồng, nó cũng quả quyết rằng "tôi" yêu "em" nhiều lắm, những rào cản từ luân thường đạo lý, từ hôn nhân ... cũng chẳng làm nguôi vơi nỗi nhớ "em" trong "tôi", tình yêu "em" trong "tôi"!

Hẳn nhiên, đó không phải là thứ "ái tình chớp nhoáng", tình yêu của "tôi" với "em" có cội nguồn từ sự sẻ chia, từ niềm mong mỏi mang đến cho em hạnh phúc, trong hoàn cảnh em phải oằn mình chống chọi với nỗi "cô đơn", với "bão giông" từ con thuyền nhân duyên không may mắn của mình. Và, với niềm tin tưởng, trân trọng "em" tuyệt đối, "tôi" thiết tha đề nghị: " Em bỏ chồng về ở với tôi không?". Bản lĩnh nhường ấy mà cũng nhân hậu nhường ấy. Quyết định là ở em!
Cặp đại từ :"Tôi - Em" cho ta thấy mối quan hệ của họ vừa gần gũi vừa xa xôi, vừa đằm thắm vừa đầy ngăn cách, dẫu trái tim  tôi  "đập về nơi em nhiều nhất", và tình em - trong cảm nhận của tôi - trong sáng và "có thật". Thay vì bị lên án, cuộc tình này đáng trân trọng xiết bao!

Và "em", người đàn bà bất hạnh trong hôn nhân nọ, dẫu không "bỏ chồng về ở với tôi" cũng sẽ thấy có thêm niềm tin, nghị lực và sự nâng đỡ về tâm hồn để bước tiếp trong cơn giông bão, để "Cỏ  nát rồi cỏ mới lại sinh sôi - 
Hoa vẫn nở mùi hương đằm thắm " như điều  người đàn ông mạnh mẽ, bao dung trong bài thơ chia sẻ.

Giản dị và chân thành, lời thơ tự sự giãi bày một cảnh ngộ, một tình yêu éo le mà tha thiết, để giăng mắc, neo đậu trong ta một... niềm tin!

Một lần xuất ngoại!

Lâu lắm rồi, có người bảo: Số cô được xuất ngoại đó nha!
Mặt ghệt ra như Lọ Lem trong truyện cổ tích!
Thế mà "xuất ngoại" thật, hẳn 6 ngày 5 đêm! Suýt nữa thì có thêm chuyến thứ hai ấy chứ.
Năm nay không được đi chơi xa. Lại nhớ em khúc khích: Chị ơi, kể chuyện show!
4 năm rồi, nhớ chuyện xưa, post lại vài hình ảnh cũ.


 
Tiết mục biểu diễn của người chuyển đổi giới tính ở Thái Lan




Sau buổi diễn, "người đẹp "chào mời  khách du lịch chụp ảnh chung.
Thời ấy, 20 bạt, không đắt


                                      Đẹp hơn hoa hậu!


                                                        Nhiều cá sấu quá!

                                                        Sợ thật!


                                                           Voi đi  xe đạp

Mẹ hổ con lợn - Thế giới này chẳng điều gì là không thể

                Thử cảm giác mạnh nào!

Đường vào điểm du lịch tại Pattaya - mùa hè.
3 tháng một lần, c
ảnh sắc sẽ thay đổi để tạo sự mới mẻ.

             Một góc Thailand (tại Bangkok)

                                  Có gì thu hoạch được?

- Người Thái đã công nghiệp hóa ngành du lịch và họ thật sự rất thành công. Sự chuyên nghiệp hóa khiến du khách không khỏi bất ngờ. "Sản phẩm" du lịch của họ chủ yếu là nhân tạo.
- Khí hậu nóng, người Thái da ngăm đen (không đẹp như trong phim ảnh) nhưng rất thân thiện, giỏi ngoại ngữ. Đất nước có tiếng về sản xuất xe máy nhưng phương tiện giao thông chủ yếu là ô tô, tàu điện ngầm. (Đi suốt hành trình Mn chỉ gặp 2 người đi xe máy). Không hề nghe tiếng còi xe ở cả Bangkok và Pattaya, dù ở Bangkok cũng xảy ra tình trạng tắc đường, nhưng họ vẫn xếp hàng trong trật tự. Không thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông. Vệ sinh công cộng cực kỳ sạch sẽ.
- Hệ thống siêu thị tuyệt vời. Ngày nghỉ, cả nhà đến siêu thị và có thể tận hưởng những dịch vụ phù hợp với sở thích. Từ thư giãn như mát xa, xông hơi, chăm sóc sắc đẹp đến các câu lạc bộ thể thao, thể hình, đọc sách, trò chơi cho trẻ em.. các món ẩm thực...
- Đức vua không nắm giữ quyền lực nhưng có vị trí độc tôn về tinh thần của người dân Thái. Khắp các đường phố, người Thái treo ảnh của Đức vua và hoàng hậu. Thậm chí ngay trên bãi biển, các loa tay của hướng dẫn viên cũng đề dòng chữ" Tôi yêu đức vua!".
- Luật pháp được thực thi một cách tự giác trong đời sống người dân Thái. Tại Pattaya- Thành phố sống về đêm - các hộ kinh doanh không được đưa con cái đến sống tại khu vực kinh doanh của mình. Một vài điểm kinh doanh nhạy cảm chỉ dành riêng cho người ngoại quốc. Trừ quán bar, các cơ sở khác mua bán rượu cũng có giờ quy định. Ở Thái, mãi dâm được coi là một nghề, người hành nghề mãi dâm được chăm sóc y tế và chịu sự quản lý của nhà nước.
          Nói tóm lại, theo cảm nhận riêng, Thailand đi trước đất nước mình khoảng 30 năm. Chả biết đoán thế có đúng không???

Ở hai đầu nỗi nhớ

Nhạc: Phan Huỳnh Điểu
Lời thơ: Trần Hoài Thu
Trình bày: Anh Thơ


Có một không gian nào
 đo chiều dài nỗi nhớ
Có khoảng mênh mông nào
sâu thẳm hơn tình thương
Ở đầu này nỗi nhớ anh mơ về bên em
Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau thêm

Đêm nghe tiếng mưa rơi
Đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ
Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Nghĩa tình đằm thắm hơn
Đêm nghe tiếng mưa rơi
Đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ
Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Nghĩa tình đằm thắm hơn
Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ
Có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình thương
Ở đầu này nỗi nhớ anh mơ về bên em
Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau thêm

Đêm nghe tiếng mưa rơi
Đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ
Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Nghĩa tình đằm thắm hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Nghĩa tình đằm thắm hơn
....
Nghĩa tình đằm .... thắm hơn

"Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh"- Phạm Duy Nghĩa





Vào một đêm mưa lạnh năm 2001, anh Lê Hựu, một nghệ sĩ nhiếp ảnh thích săn tìm cảnh đẹp ở Sa Pa, gọi điện cho tôi, người viết truyện này:
“Ở Sa Pa mới có chuyện lạ cậu ạ. Người mà nói chuyện được với hoa, lại thấy hoa hiện lên thành người nữa. Hiện tôi đang giữ quyển nhật ký chép lại cái chuyện nghe như bịa ấy. Lúc nào vào đây, tôi cho xem”.Xin kể độc giả nghe về người thanh niên này một chút.
Người trồng hoa có giấc mơ màu rêu đỏ...


Người thanh niên có cuốn nhật ký tên là Tú. Tú là công nhân trồng và chăm sóc hoa, cây cối trên đồi Sa Pa, quả đồi phía sau thị trấn dành cho du khách đến vãn

 cảnh. Tú học hết lớp 9, thi vào sư phạm hệ tiểu học không đỗ, thấy công ty du lịch tuyển người thì xin vào làm. Người Tú thấp mập, mặt rỗ, tóc xoăn, bàn tay to bản, ngón ngắn chùn chùn. Mắt Tú lờ đờ, ai bảo làm gì cũng làm. Mọi người gọi Tú là “Tú đần”. Tú ít nghĩ ngợi lắm.
Những công nhân cùng làm trên đồi với Tú đều có chồng có vợ, buổi tối họ về nhà, riêng Tú được ban quản lý cho ở tại một cái nhà gỗ trong vườn cây trên đồi. Nhà được dựng trên bốn cột, có thang bắc lên như nhà sàn nhưng nhỏ như chuồng chim, nhìn thoáng qua không phát hiện ra vì được phủ kín bởi dây hoa bìm bìm. Quanh nhà có những cây hoàng bá xám rêu, xen những cây lê vài chục tuổi. Được ở đây Tú thích lắm. Đêm đêm, Tú thấy bóng tối quanh nhà luôn có màu lam dìu dịu. Đó là do sự tán sắc từ màu xanh biếc của hoa bìm bìm nhưng Tú chịu, không giải thích nổi. Những ngày ấm cái màu đó rất dễ chịu, nhưng trời lạnh màu xanh biếc càng lạnh thêm.
Điều làm Tú thấy buồn cười nhất ở Sa Pa là phép mầu của thời tiết. Đang giữa mùa hè mà có lúc sương mù xóa mất cả thị trấn, lơ đi một chút, ngoảnh mặt lại đã thấy nhà cửa, người ngựa biến hết đi đâu. Sương tụ đặc như khói quẩn trên đường, nhét đầy các ngõ ngách.
Ở trên đồi, Tú thích thú nhìn sương bay ngùn ngụt từng đám lớn ngay ngoài cửa, có lần thò tay cố lôi một nắm vào trong nhà mà không được. Nhìn sang Phan Xi Păng, thấy những tảng trắng đặc bò lan trên sườn và nhồi kín trong hẻm núi, không biết gọi là mây hay là sương.
Trên đồi Sa Pa có thảm thực vật dày và rất nhiều rêu đỏ. Loại rêu này giống màu cà rốt, nghe nói chỉ có ở vùng ôn đới. Nó phủ trên đá, bám vào những thân cây mốc meo già cỗi. Nhìn vào cái màu ấm nóng của nó, ngay cả những ngày giá băng, tự dưng thấy đỡ rét. Tú không hiểu sao giấc mơ hằng đêm của mình luôn nhòe trong màu rêu đỏ. Trời mây đỏ, thảm cỏ đỏ, tất cả bồng bềnh. Tú hỏi, người bạn làm cùng bảo như thế là đời Tú đơn lạnh, khao khát lắm mà chẳng bao giờ tìm được tổ ấm đâu.
... và cô gái múa điệu vờn mây
Trên đồi Sa Pa, ngoài những mảnh vườn do Tú và vài người nữa chăm sóc, còn có một khu nhà sàn được gọi là làng văn hóa dân tộc. Làng được chia ra hai khoảng đồi. Một bên là nơi vừa may thêu hàng thổ cẩm, vừa bán và cho thuê trang phục dân tộc. Du khách đến đây tha hồ mặc thử những bộ quần áo may theo kiểu người Mông, người Dao, người Thái để chụp ảnh.
Còn bên kia, nơi suốt ngày réo rắt tiếng nhạc ngân trong bảng lảng sương mù, là nơi biểu diễn nghệ thuật dân tộc. Trèo lên ngôi nhà sàn này, chỉ bỏ ra một chút tiền, khách phiêu lãng lại được hưởng cái thú nghe hát, xem múa và thưởng ngắm những đường cong yểu điệu của tiên nữ xứ hoa đào.
May là một trong những tiên nữ đó.
May 17 tuổi, cũng học hết lớp 9 như Tú. Nghe đâu May từng học ở nhà văn hóa thiếu nhi của tỉnh rồi lỡ có thai với một chàng nhạc công nên bỏ học, theo tiếng gọi của mây gió mà vào Sa Pa. May người thon nhỏ, tay mềm oặt, da trắng ngần. Mỗi lần May vận trang phục dân tộc ra sàn biểu diễn, cả cơ thể lại uốn mềm lả lướt. Người nhẹ như bay, xung quanh khói tỏa, mây vờn. Tay cong vắt khép lại, nở xòe. Mây trôi đi, mây lại bay về đậu. Khách xem ngấm lời, ngấm người, ngấm nhạc mà say mềm, đó là vũ điệu vờn mây, vuốt gió của May. Tú mê May lắm.
Tiếng là ở cùng trên một quả đồi nhưng chẳng mấy lúc Tú được gặp May. Mỗi người một việc. Tú thì lầm lụi tưới cây, vặt cỏ, May thì suốt ngày múa hát, đêm xuống lại về nhà người chị họ trong thị trấn. Lần nào trông thấy Tú từ xa, May cũng vẫy tay cười, có lúc còn trêu chọc Tú. Tú thổn thức. Tiếng cười làm ướt giấc ngủ hằng đêm.
Một hôm có chương trình biểu diễn đặc biệt vào buổi tối, Tú biết là May ngủ lại nhà sàn không về. Đêm đó sương mù xanh lam dày đặc, cuồn cuộn bay như khói ngập nhà sàn. Khách lãng du la đà uống rượu trong quán cá hồi ở lưng đồi, ngả nghiêng say, chật vật rẽ sương, rẽ mây lên đỉnh đồi nghe hát. Tú đứng với May ở chân cột nhà sàn, hồi hộp chảy nước mắt. Sương bay lãng đãng qua mặt hai người.
Đêm nay, dù phải chết, Tú cũng làm cho mọi việc ra ngô ra khoai. Khi Tú hỏi May có thích Tú không, May trả lời “không biết” rồi bật cười. Run lên, Tú hỏi May có đồng ý xuống cái chòi của Tú chơi khi tàn cuộc hát không, May lại cười, lửng lơ “không biết”. Rồi May lẩn vào sương mù...
Mấy hôm liền Tú không trông thấy May, cũng không thấy May cười gọi mình từ xa nữa. Không biết vì sao chuyện Tú tỏ tình với May loang khắp đồi như mùi hoa dạ hương. “Nó tránh mặt mày, như thế là nó thẹn, nhưng chứng tỏ nó yêu mày đấy” - mấy anh trong tổ làm vườn bảo Tú. “Người có tóc xoăn thì thông minh. Chắc nó yêu mày ở khoản tóc”.
Tú vừa mừng vừa hoang mang, đợi lúc chiều tàn rụt rè lên nhà sàn tìm May. “May đi thác Bạc với khách ở Hà Nội lên rồi”. “May đi với bồ rồi!”... Những cái nhìn giễu cợt xoáy vào lưng. Tú ôm đầu chạy xuống thị trấn. Trời ơi, May yêu Tú mà sao còn đi với người khác... Tú định hỏi mượn xe máy đi tìm May, nhưng một lát sau mới nhớ ra rằng mình không biết đi xe máy. Tú gọi xe ôm, bảo chạy vào đường Ô Quy Hồ.
Con đường hun hút giữa núi đồi nhấp nhô ngọn cây lá kim hình tháp, lấp loáng những vạt nắng hanh vàng mỏng mảnh, đẹp như cảnh trong phim châu Âu. Nắng Sa Pa bao giờ cũng là thứ nắng rất nhẹ, rất thanh, là vàng chắt ra từ thiên nhiên, dát lên đồi núi phút nào quí phút ấy.
Người coi chiếc lán ở gần chân thác nói với Tú: có cô gái trẻ đưa người đàn ông vào chơi thác rồi rủ nhau đi thung lũng Mường Hoa rồi. Xe quay trở ra. Tú ứa nước mắt. Dù có tiêu hết lương tháng này vào tiền xe ôm, Tú cũng phải tìm bằng được May. Đường đi thung lũng Mường Hoa bị tắc nghẽn vì đất lở, một chiếc máy xúc kềnh càng đang dọn đường. Tú bảo người lái xe ôm quay về, rồi một mình chạy bộ đi Mường Hoa.
Đến nơi thì màn đêm xanh lam đã đổ tràn thung lũng. Tú chạy trên thung, vừa chạy vừa ngửa mặt lên trời gọi May. Trời vằng vặc xanh. Về khuya sương mù bốc lên ngùn ngụt, tỏa lấp trời mênh mông. Thung lũng biến thành cái chảo khói. Suốt đêm sương lùng nhùng vây bọc, đẩy Tú chơi vơi trong mê lộ. Sáng hôm sau người Tú tím ngắt vì rét, phải vừa bò lên miệng thung lũng, vừa đợi sương tan mới tìm thấy đường về...
Nghe nói người khách Hà Nội chỉ gặp May một lần rồi không thấy lên nữa. May viết thư, chờ ngóng, rồi cũng nguôi ngoai. Lại nghe nói May ra thị xã nạo thai. “Còn nghĩ đến người ấy nữa không?” - một hôm Tú hỏi May. May ngẩn ngơ trả lời “không biết”. “Giờ nó là bông hoa vô chủ rồi, mày cố mà hái đi. Thời cơ đấy” - mấy anh trong tổ làm vườn bảo Tú. Tú lại hi vọng bồn chồn.
Tích tích tăm... tích tích tăm... tiếng nhạc réo rắt, vũ điệu nhịp nhàng. Ngày ngày, ngôi nhà sàn trên đỉnh đồi vẫn nườm nượp những người. Du khách ngất ngưởng, la đà. May múa dẻo hơn nhưng mắt May tỉnh táo, bớt mơ màng hơn. Tích tích tăm, tích tích tăm...
Một hôm là ngày lễ, ai cũng được nghỉ. Tú xuống nhà chị họ của May trong thị trấn, định rủ May đi chơi suối Cát Cát. “May đi Phan Xi Păng với Mai Cồ rồi”. “Mai Cồ nào?”. “Mai Cồ người Anh, yêu con May một tháng rồi, không biết à thằng đần”.
Mai Cồ, viết tiếng Anh là Michael nhưng Tú không biết. Tú đứng ngẩn ngơ một lúc, tay cào lên đám tóc xoăn. Cái mặt rỗ hoa trông đần lại càng đần.
Nắng tắt, chiều tàn, Tú ở điểm cao 1.900m. Bàng hoàng nhìn lên đỉnh núi mù mịt lấp trời. Lúc này mới nhớ ra rằng không ai leo Phan Xi Păng một mình bao giờ. Hình như người ta phải thuê một người Mông bản xứ dẫn đường và gồng gánh thức ăn, chăn chiếu, lều bạt.
Nước mắt ròng ròng. May bội bạc với Tú đến mức này. Nghĩ cảnh đêm nay ông Tây nào đó có tên Mai Cồ hì hục trườn trên người May, xung quanh chờn vờn mây khói, Tú muốn cắn đứt lưỡi mình. Không, người Mông đi được, Tú cũng đi được. Tú cắm cúi trèo. Một chặng. Hai chặng. Khí núi thốc ra lạnh buốt.
- May ơi...
Âm thanh dội vào núi, vọng ra khản đặc: “May... ơi...”.
- Mai Cồ...
Núi rền rĩ đáp lại: “Mai... Cồ...”.
Ào ạt. Ào ào. Sức gió đẩy tưởng dán người vào vách núi.
Tú ngợp trong rừng lanh sam rồi pơmu. Không khí đặc sệt. Mây bùng nhùng bò lan trên đất, giắt cành cây. Tú khóc thành tiếng. Nước mắt đông cứng lại. Tú nhổ bọt, nước bọt cô thành keo. Tú đái vào đá, nước tiểu cũng vón lại thành băng. Mẹ ơi rét quá... Suốt đêm cái rét rứt từng mẩu thịt Tú. Nhưng Tú không chết. Ngọn lửa tình yêu làm Tú không chết.
Mấy ngày sau, Tú nhìn thấy May ngồi ăn ngô nướng trong thị trấn với một chàng Tây gầy nhẳng, mắt xanh lét, tóc rười rượi như nắng vàng. Anh ta chính là Mai Cồ, tức Michael, người của một tổ chức phi chính phủ có văn phòng đại diện tại Sa Pa. Ít lâu sau nghe nói anh ta về nước, có rủ May theo nhưng May từ chối.
Người ta lại thấy May vi vút đi về với một gã đẹp trai ngoài thị xã. Tích tích tăm... tích tích tăm... May múa càng dẻo nhưng nét mặt May dạn dĩ hơn nhiều. “Còn nhớ Mai Cồ không?” - Tú hỏi. “Không biết” - May thờ ơ đáp. “May quên hẳn Tú rồi à?” - Tú lại hỏi. “Tú khỏe mạnh, May cũng thích, nhưng May còn thích nhiều người khác nữa. Nếu Tú thật lòng với May thì gắng đợi”. May nói rồi thả mình trong vũ điệu vờn mây. Tú lại bồn chồn. Tích tích tăm... tích tích tăm...
Hoa cẩm tú cầu kể chuyện mình
Đến đây có lẽ phải cho độc giả biết sơ qua về hoa trên đồi Sa Pa do tổ làm vườn của Tú chăm sóc. Những thảm hoa này được đặt tên là “Vườn châu Âu”. Để tránh làm cho độc giả mệt trí, tôi không tả tỉ mỉ tất cả các loài hoa được trồng ở đây, chỉ muốn nhắc đến một số loài rất đáng yêu như hoa chuông tím mộng mơ và sang quí, hoa mai thiên hương man mác trắng mơ hồ, hoa pentolia mang tên Tây nhưng bình dị như cây mồng tơi, hoa thanh anh đỏng đảnh kiêu kỳ chỉ quen khí hậu ôn đới, mang ra xứ nóng sẽ bé dần. Để tránh sự ganh tị, cũng nên nhắc đến rum, lưu ly, su xi, thượng đỉnh, cẩm tú cầu.
Tú yêu tất cả các loài hoa. Những loài đến từ phương trời xa xôi, ngày đầu ít nhiều được Tú nâng niu thiên vị để rồi chung sống bình đẳng với các loài khác khi đã quen dần.
Vào một buổi tối mùa xuân, Tú nằm trong chăn nhìn bóng đêm dìu dịu buông trùm lên ngôi nhà gỗ, vẫn màu tối hòa sắc với xanh lam phản chiếu từ hoa bìm bìm. Hôm ấy Tú khá mệt vì phải trồng một hàng cây trắc bách diệp dọc lối dẫn lên khu nhà sàn, nên lúc này muốn tận hưởng cảm giác nghỉ ngơi, không nghĩ, không làm gì cả. Điều Tú sợ nhất là cứ phải nghĩ, một việc thật không cần thiết.
Đang trong trạng thái lơ mơ ngưng đọng thế, thì có tiếng chân người rất khẽ bước lên thang. “Ai thế nhỉ?” - Tú hơi bực mình vì lại phải nghĩ. Tiếng chân dừng lại bên ngoài cánh cửa khép và có tiếng gọi khẽ. Ý nghĩ thứ hai còn lơ lửng đâu đó chưa nhập vào đầu Tú, nhưng theo phản xạ Tú quài tay bật công tắc điện phía trên đầu. Điện không sáng. Tú nhỏm dậy vừa lúc cánh cửa bật mở và một luồng sương trắng từ ngoài cuồn cuộn thốc vào.
Sương mù mịt vẩn lên khắp nhà, lạnh buốt. Tú lờ mờ nhìn thấy trong sương một hình người. Khi sương lắng hết và ánh sáng xanh nhạt bên ngoài làm mọi vật trong nhà nhìn được khá rõ, thì Tú thấy rợn người lên.
Ngồi ngay trước mặt Tú, trên chiếc ghế được đóng bằng gỗ xấu là một người con gái lạ. Cô ta không giống bất cứ ai trong số các cô gái biểu diễn ở nhà sàn. Mặc dù ý nghĩ của Tú luôn đến chậm hơn những người bình thường gần một phút, Tú vẫn cảm nhận được da người đó trắng mịn, bộ váy áo hơi nhàu nhưng sạch sẽ và thoảng mùi thơm rất nhẹ.
Người đó kéo vạt váy, khép hai đùi lại và mỉm cười. Nét cười lẳng lơ huyền bí.
Tú nhìn cô ta, càng nhìn càng thấy sợ. Rõ ràng ngồi đó là một người mà vẫn có cảm giác không phải là người.
- Em là hoa cẩm tú cầu... - cô gái nói, âm sắc trong như sương - Nhờ có các anh ngày ngày chăm sóc, chúng em được sống mát mẻ, bình an. Dẫu thân hoa cỏ, đêm nay đường đột gặp anh mong sẻ chia chút chuyện đời mình...
Giọng cô gái rì rầm như gió thổi qua vạt bìm bìm xanh rợp. Bộ óc đầy bóng tối của Tú căng ra, le lói ý nghĩ không phải mình đang mơ mà là sự sống thực. Thì ra cẩm tú cầu, loài hoa trong một năm tuần tự chuyển màu từ trắng sang xanh, tím, phớt hồng, chính là kiếp đàn bà luôn thay đổi tình duyên, không bao giờ chung thủy. 
- Anh đừng trách May - Cô gái nói - Cô ấy sinh năm 1980, tuổi Giáp Thân, mạng mộc. Mộc là cây, là cỏ, là hoa. Cái mệnh của May ứng với hoa cẩm tú cầu, mệnh ấy phải qua tay nhiều người nên May luôn thay lòng đổi dạ...
- May chẳng có lỗi gì... - mãi rồi Tú mới mở miệng.
- Anh thật nhân hậu... Những cô gái bán hoa cũng vậy, tự lòng họ không lả lơi đĩ điếm mà họ bị chiếu mệnh bởi cẩm tú cầu.
- Còn đàn ông thì...
- Loài hoa em đã ám vào người nào, thì người đó phải muộn vợ hoặc sống cô độc suốt đời. Đó là duyên âm theo cách gọi của loài người. Bao nhiêu năm rồi em vẫn đi theo một người đàn ông trong thị trấn này. Người ấy là thợ may, tên là Thụ...
Chợt có tiếng gió u u từ xa vọng lại. Hoa cẩm tú cầu đứng dậy, liếc Tú và cười một mình. Bóng đêm ngoài cửa được pha bằng màu tối từ vòm lá rợp và màu xanh biếc hắt lên từ hoa bìm bìm càng làm khuôn mặt nhìn nghiêng của cô thêm huyền hoặc. Giọng nói vẫn như được lọc từ sương.
- Loài người bây giờ tỉnh táo quá, hồn hoa em không gần được. Chỉ có anh là sống sơ giản, gần với cỏ cây. Anh nhớ từ nay, vào những đêm nhiều sương, em lại đến...
Cô gái chào Tú và bước xuống thang. Khi Tú đẩy cửa nhìn ra chỉ thấy sương mù dâng lên nghi ngút.
Ngày hôm sau, Tú vào thị trấn tìm nhà ông Thụ. Đúng như hoa cẩm tú cầu đã kể, trong phố có một người thợ may tên là Thụ. Hiệu của ông bán hàng thổ cẩm, ở góc cửa có một manơcanh đàn bà môi đỏ luôn nhìn khách bằng con mắt lạnh lùng.
Người tình của manơcanh
Ông Thụ sống độc thân trong ngôi nhà xinh đẹp ba tầng. Người ông nhỏ thó, mắt màu tro, mũi khoằm, da đỏ như da gà chọi. Khi Tú đến, ông đang gò lưng trên nền với cái chổi lau nhà, chà đi xát lại làm cho cái nền vốn đã sạch càng bóng lộn lên. Trông hệt như một lão phù thủy cưỡi trên chiếc chổi thần.
- Tôi bị bệnh T.O.C, nói đầy đủ bằng tiếng Anh là Compulsive obsession trouble, là bệnh rối loạn ám ảnh không cưỡng được. Hiểu nôm na thì đó là bệnh quá cẩn thận. Bệnh này chia làm hai nhóm: nhóm “lau rửa” và nhóm “kiểm tra”. Tôi bị mắc cả hai, cậu ạ.
Đầu Tú co giãn, cố vận động ý nghĩ nhưng không hiểu gì. Ông Thụ lại nói như bắn súng liên thanh:
- Tôi biết cậu là một thằng đần, rất đần, óc cậu ít nếp nhăn nhưng tiếp xúc với người như thế đỡ phải đề phòng. Tôi mệt mỏi vì cái bệnh cẩn thận lắm rồi, biết mà không chống lại được. Nó là hậu quả của stress do lao động trí óc nhiều quá. Cậu không biết, nghề may chỉ giải trí, chứ tôi đã từng nhiều năm nghiên cứu bãi đá cổ Sa Pa, về sự dày công phải xếp ngang người Pháp. Chiều nay tôi đóng cửa hiệu không bán, cậu ở đây uống rượu với tôi, tôi đang muốn thư giãn...
Cả chiều hôm ấy Tú cùng ông bạn già lụi cụi nấu nướng, uống rượu la đà đến đêm. Lúc ngà say, ông Thụ vào toalét, đánh rơi kính trong đó. Quờ quạng tìm kính, ông lỡ thọc tay vào nước trong cái xí bệt. Ông hét lên, cuống cuồng lấy bàn chải và xà phòng thơm, ngồi kì cọ tay mình đến trầy da, bật máu. Lấy khăn khô thấm máu, ông rên rỉ:
- Bệnh T.O.C là thế đấy, Tú ạ. Vi trùng khiêu vũ quanh mình nhiều lắm, đời tôi lúc nào cũng ghê sợ chúng nó. Tôi thèm khát sự sạch sẽ. Nhà sạch, người sạch, tư duy sạch, tâm hồn sạch... 
Tú hỏi vì sao ông không lấy vợ. Ông nói, giọng tha thiết:
- Chính vì tôi không chịu được sự ô uế, vấy bẩn đó Tú ạ. Từ thời trai trẻ, mỗi người con gái định lấy tôi đều kiểm tra. Bao nhiêu miếng vải trắng đã trải xuống giường tôi không nhớ nữa. Bao nhiêu người giã biệt, không hề một giọt máu đào. Tôi khinh thường đàn bà, không hiểu nổi vì sao có mỗi cái của mình mà họ không giữ được. Cho đến cuối năm vừa rồi, vào một buổi tối mùa đông giá lạnh, đúng ngày tôi tròn 57 tuổi, có một đứa con gái còn rất trẻ đã đến với tôi...
Ông chạm ly với Tú, mắt rưng rưng:
- Nó biết tôi giàu, rất giàu. Nhưng khi nhìn thấy mảnh vải trắng, nó tái mặt, sững người rồi chạy xuống cầu thang. Tôi đứng chết trân, nghe gió xô vào cửa kính, cảm giác như nó vừa ném mảnh vải vào mặt mình. Tôi, một thằng già gần 60 tuổi, lẽ ra phải biết chấp nhận, vậy mà còn khắt khe đòi hỏi một giọt máu đào. Còn thèm máu của một đứa trẻ ranh. Cái con bé tên May ấy, xinh lắm, như được nặn ra từ tuyết trắng. Thế mà tôi đã không...
Tú há hốc mồm, tự rót rượu cho mình. Tú uống, uống mãi, nước mắt chảy ròng trên cái má rỗ. Ông Thụ nức nở, thầm thì:
- Tôi là người cổ lỗ, mốc meo, mối mọt rồi. Nhưng tôi quyết trọn đời không sống khác. Tôi tôn thờ sự trong sạch, trinh trắng, chính vì vậy mà tôi yêu hết lòng Sa Pa. Một Sa Pa xưa với những cây đào rêu phủ mốc meo, những biệt thự có lò sưởi cũ kỹ. Tuyết Sa Pa trắng sạch nhất thế gian này...
Đêm đó Tú ngủ lại nhà người thợ may. Ông để Tú ngủ ở tầng ba, còn ông ở tầng hai. Tú thấy ông lên giường trùm chăn, rồi lục sục trở dậy. Ông lên phòng Tú, xộc vào toalét, lẩm bẩm: “Không biết cái vòi nước đã vặn chặt chưa”. Về giường nằm được một lúc ông lại dậy, nói một mình: “Hình như chưa tắt điện bếp thì phải”. Lần thứ ba ông dậy là xuống tầng một, lạch cạch sờ vào cửa xếp, chắc để kiểm tra xem chắc chắn đã khóa cửa chưa. Tú lơ mơ hiểu rằng ông đang bị bệnh T.O.C hành hạ.
Đêm ấy rượu làm Tú khát quá, trong mơ cứ lang thang đi tìm nước. Đi mãi chỉ thấy rêu đỏ mênh mông như sa mạc. Quá nửa đêm tỉnh giấc, Tú xuống tầng dưới tìm bình nước lạnh. Ngó vào giường ông Thụ, Tú trố mắt. Dưới lớp chăn xốp đắp đến ngực, ông đang ôm một người đàn bà cởi trần. Một bàn tay ông ấp vào khe vú của cô ta, đôi vú nõn nường như trái lê phủ tuyết. Dù vẫn còn say, Tú tin rằng mình không hoa mắt, liền đánh bạo đi đến tận giường. Cúi nhìn, Tú thất kinh. Người đàn bà vẫn trừng trừng mở mắt, đôi môi đỏ chót và da trắng đến rợn người.
Phải mất vài phút, Tú mới nghĩ ra và ngó xuống tầng một. Cô gái manơcanh không còn đứng ở góc tường. Mãi về sau này, Tú cũng hiểu ra rằng người thợ may kia thà đêm đêm ôm ấp một hình nhân trong sạch, còn hơn sống với bất cứ người đàn bà đã bị vấy bẩn nào.
***
Đã nhiều đêm sương mù nhưng cô gái lạ lùng không đến với Tú lần nào nữa. Tháng ngày trôi đi như trong mơ. Một sớm kia, giữa vạt cẩm tú cầu xao xác, Tú ngạc nhiên thấy một bông rất lạ. Bông này trắng xanh, trong khi những bông khác đã đổi màu hồng. Nó nở xòa ngơ ngác, đu đưa, như quả cầu nàng công chúa trên mây trót gieo nhầm xuống mặt đất.
- Từ hôm Tú chỉ cho tôi bông hoa ấy, ngày nào tôi cũng lên đồi theo dõi nó - Lê Hựu nói - Thật lạ, tất cả màu hồng, riêng nó vẫn xanh, làm mình đâm ra thích cái màu xanh ấy. Tôi vốn hoài cổ. Những gì thay đổi cũng hay, nhưng sao nhiều lúc lại muốn mọi sự đứng yên, cứ thế, mãi thế...
- Có lẽ anh hợp với lão Thụ.
- Ừ. Người ta bảo lão là gàn nhưng tôi lại hình dung Sa Pa lãng đãng phải có những người như thế. Một lão thợ may sắp mừng thọ vẫn khát thèm những giọt trinh tiết, một anh trồng hoa ngốc nghếch theo đuổi những giấc mơ màu rêu. À, tôi cho cậu xem bức ảnh tôi chụp thảm hoa cẩm tú cầu...
- Đây có phải bông hoa xanh không chuyển màu?
- Nó đấy. Cậu đặt cho nó một cái tên để tôi đem dự triển lãm ảnh, nếu hay tôi đãi cậu bữa rượu cá hồi. Cậu xem, du khách trong quán ngả nghiêng hết cả rồi. Hôm nay nhiều sương mù, tự dưng thấy mình cũng thèm phiêu lãng.
- Rồi rẽ mây lên đỉnh đồi xem em May múa chứ?
- O.K. Tôi tạm đặt tên ảnh là “Bản sắc”, được không?
- “Bản sắc” hay “Bảo thủ”?
Lê Hựu cười vang. Chúng tôi đi vào quán cá hồi.  
                                                                  (Lào Cai, 1-2007)
Truyện ngắn của PHẠM DUY NGHĨA

Entry cho bé!



      

   ( Xin chia buồn với gia đình Mr.Quang với tất cả tấm lòng)
    Cô không ngủ được, bé ạ. Lâu lâu rồi, cô từ bỏ thói quen lên mạng, lang thang blog vào mỗi tối... Dạo này, mọi người lục tục xây nhà mới, còn cô vẫn bình chân như vại. Kệ thôi, cô thấy mình dường như chẳng còn mấy mặn mà với nông sâu cảm xúc, với đen trắng cuộc đời, với vui buồn muôn thuở...
   Thế mà giờ này, cô vẫn thao thức mãi... Cũng như trước hôm bé chào đời, cô đã mấy lần tỉnh giấc trong đêm lạnh...Bé ơi!
   Chỉ còn 04 ngày nữa, bé tròn một tháng tuổi... Cuộc đời với bé, ngắn ngủi quá đi thôi!
   Tạo hóa trêu ngươi, cho bé hình hài mà không cho đủ đầy cuộc sống; cho bé ông bà, cha mẹ, anh em mà không cho sớm hôm gần gụi yêu thương; cho bé cập bến cuộc đời rồi lặng lẽ rời xa trong bao nhiêu tiếc nuối...
  Cô đã lặng người khi nhận tin của bé... Chiều qua, trời trở lạnh. Tối, mưa không ngừng rơi. Đêm hun hút thở dài...
  Cô nhớ đã từng đọc một cuốn sách viết về sự đầu thai trở lại của một tác giả là bác sĩ, tiến sĩ y khoa, giám đốc một bệnh viện nhi ở Hoa Kỳ. Cô biết bé đang còn ở đâu đó, với sự trong sáng thánh thiện tuyệt đối, đang dõi theo những người thân yêu nhất... Hình như cô thấy bé đang mỉm cười, nụ cười của thiên thần nhỏ. Bé ơi!
 Những ngày qua, bé đã được chờ đợi, được yêu thương và mãi mãi, bé vẫn được yêu thương như thế... Bé cũng rất cố gắng rồi, đúng không? Bé sẽ trở lại nhé, cô luôn tin như thế!
Bé sẽ được an lành nơi cực lạc! Biết thế rồi, mà sao lòng vẫn ngậm ngùi hả bé?
 Thế là thôi... Thế là thôi...
Chiều nay bé đã về trời... còn đâu!
Xót lòng... cha mẹ đớn đau
Bà con cô bác lặng câu nguyện cầu
Cuộc đời sao lắm bể dâu
Không duyên trần thế...âu sầu ...mất con
Đón con... lòng dạ héo mòn
Thê lương phủ kín suốt con đường dài
Phận sao mỏng thế... con ơi
Gót hồng nhẹ bước về nơi xa nào?
Ngửa đầu than gọi trời cao
Có nghe thấy tiếng lệ trào... đêm nay!

Thương lắm....tháng ba!

Tháng ba này tóc mẹ chẳng còn xanh
Màu năm tháng dãi dầu sương nắng

Nét thanh tân ngời ngợi nơi tấm ảnh

Con lặng yên cất trong trái tim mình!

            Tháng ba này... mắt mẹ chẳng còn tinh
            Thủy tinh thể một lần thay rồi đấy
            Con về ngõ mẹ giật mình "Ai đấy"
            Có hạt bụi nào...khóe mắt bỗng cay cay...

      Tháng ba này...mưa vẫn cứ bay bay
      Hoa xoan rụng vơi đầy trên lối vắng
      Mẹ thắp lửa suốt cuộc đời thầm lặng
      Nhớ mẹ nhiều...thương lắm...tháng ba!


123tagged.Com

Tết đoàn viên




Thoáng chốc đã 15 mùa hoa,15 cái tết... Con mới về!
Những ngày này, trời ủ một màu sương, lãng đãng huyền hồ hư thực. Đó đây, hoa mơ hoa mận nở, dịu dàng và mê say...
Con chạy xe giữa lòng thành phố, dưới làn mưa bụi, bỗng âm vang lời nhận xét thuở nào: Thành phố quê em bắt đầu từ đâu nhỉ, anh đi hoài vẫn chẳng nhận ra!
Chợ bờ sông vẫn quen mà lạ, líu ríu theo sau mẹ như một thời thơ bé. Thoáng chốc, giữa nườm nượp người xe, bóng mẹ mất hút giữa chất ngất hàng hóa của phiên chợ cuối năm. Con thong thả mà mẹ thì vội vã...
Bếp củi của mẹ cha, ôi chao là thích... tối ngày đỏ lửa, ấm áp đến lạ lùng. Mấy ngày tết, nhà mình vui như trảy hội... Đứa ở xa  đã đành, đứa ở gần cũng tắt lửa luôn, con cháu suýt soát hai tiểu đội... Mắt mẹ lấp lánh xuân! 
Lâu lắm rồi mới được ngắm cha chẻ giang buộc bánh chưng, mấy đứa cháu bằng đầu nhau lau tau gói bánh...Anh chị em chụm đầu trông nồi bánh tết, chuyện hôm nay gọi chuyện xa xưa...
Phút giao thừa cả nhà đều thức đợi...Trong im ắng của đất trời rộn rã tiếng cười vui. Nào cạn ly chúc một mùa xuân mới!
Chúng con nghe bài thơ khai xuân của cha, lòng xôn xao đến lạ. Miệng thì cười mà mắt bỗng đỏ hoe! 
Con vẫn về vào mùa cây xanh lá, nhưng tết này con đợi cũng đã lâu...  
Người ta có nhiều chốn đi về... Với con, mái ấm nơi có mẹ có cha, bao giờ cũng là nơi chốn yêu thương nhất!
Tết đoàn viên... Mùa xuân vui tụ trong lòng!

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Ca khúc: Gửi người yêu văn


                                 



Photobucket
                                
                         Thơ:   Nguyễn Trọng Hoàn
                         Nhạc: Bùi Anh Tú
                         Trình bày:  Việt Hoàn

      Vào một buổi chiều đầu năm mới 2012, trước thềm xuân Nhâm Thìn, tôi nhận được món quà âm nhạc của anh, người con của quê hương Thái Bình được sinh ra trên mảnh đất Sơn Tây, tác giả của những ca khúc được nhiều người yêu thích: Anh hãy về quê em, Thái Binh quê hương tôi, Biển và em...
     Giai điệu trữ tình sâu lắng, ngọt ngào, thiết tha tình yêu đời, yêu người đã khiến tôi xúc động. Bất giác tôi bắt chước hát theo ca sĩ mấy câu dù cho tôi chẳng có chút xíu năng khiếu ca hát nào... Rất vui mừng vì tự thấy mình cũng là một trong biết bao người yêu văn chương nghệ thuật. Bỗng dưng những câu thơ thuộc từ hồi nảo hồi nào đổ về trong nỗi nhớ: Nếu ai bảo yêu thơ là lãng mạn/ Xin một lần lãng mạn để yêu thơ...
      Trân trọng cảm ơn và chúc mừng nhạc sĩ Bùi Anh Tú, nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn!
      Tôi muốn được chia sẻ bài hát "Gửi người yêu văn" đến các bạn yêu mến văn chương, các bạn blogger và tất cả mọi người!
      Hãy cùng cảm nhận tình yêu cuộc sống qua vẻ đẹp của ca từ và giai điệu, các bạn nhé!
     Xin cảm ơn bạn Langtulangdu và Mr.Quang đã giúp đỡ, chỉ dẫn tôi cách đưa âm nhạc vào blog.

Guinguoiyeuvan